Đáp ứng nhu cầu thiết yếu

Khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu trong thời đại số hóa. Trong giai đoạn cách ly xã hội do dịch Covid-19, hình thức khám, chữa bệnh này đã được triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả. Nổi bật là đã giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi với chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. Đặc biệt, giúp xã hội và ngành Y tế tiết kiệm chi phí, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa ở một số bệnh viện, địa phương còn gặp khó khăn do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động này. Nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nền tảng số hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Chưa kể, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh từ xa, bệnh nhân phải tự đo huyết áp, đường máu, thân nhiệt, nhưng thực tế tỷ lệ người dân có thiết bị để làm được việc này còn rất thấp.

Dù vậy, với những kết quả tích cực đã được khẳng định, mô hình khám, chữa bệnh từ xa đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trong đó, phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo chương trình, lĩnh vực y tế sẽ được ưu tiên phát triển nền tảng số hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa. Đồng thời, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025.

Định hướng đã rõ, nhiệm vụ hiện giờ là làm sao thực hiện cho được các mục tiêu, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Trước hết, để tạo môi trường tốt cho dịch vụ này phát triển thì việc rất quan trọng là hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định liên quan một cách đầy đủ, phù hợp. Trong đó, ngành Y tế phải sớm xây dựng, hoàn thiện các quy định về phân tuyến kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại các bệnh viện tham gia đề án; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ tư vấn sức khỏe, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa…

Soi chiếu các nhiệm vụ kể trên, có thể thấy, cùng với việc từng bước hoàn thiện nền tảng công nghệ thông tin, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh từ xa, thì vấn đề nhân lực là yếu tố quyết định. Do vậy, ngành Y tế, bản thân các bệnh viện cần chú trọng tăng cường các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ, nhất là bệnh viện tuyến dưới. Đặc biệt, cần tập huấn, nâng cao nghiệp vụ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ công nghệ thông tin, nhất là với các trạm y tế cấp xã.

Là một mô hình khá mới mẻ với người dân, do vậy, các cấp chính quyền cần quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh thông tin, truyền thông về khám, chữa bệnh từ xa. Qua đó giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và yên tâm sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.

Cũng để công tác khám, chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả, mỗi người dân cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến dịch vụ này. Đồng thời những người mắc bệnh mạn tính cần chủ động mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ khám, chữa bệnh từ xa để không phải thường xuyên đến khám, điều trị tại bệnh viện...

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới việc trở thành quốc gia số vào năm 2030, thì công tác khám, chữa bệnh từ xa được xem là hướng đi đúng, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong chăm sóc sức khỏe.

Hoàng Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/971917/dap-ung-nhu-cau-thiet-yeu