Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân

Tuần qua, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội đã được ban hành với 11 nhóm giải pháp có tính chất đột phá nhằm tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ trong mạng lưới an sinh xã hội. Qua đó, đối tượng tham gia hệ thống bảo hiểm sẽ được mở rộng, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Linh hoạt mức đóng

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) có nhiều điểm mới rất căn bản, đáp ứng những yêu cầu của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, hướng tới mục tiêu an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đề án cải cách chính sách BHXH được thiết kế theo hướng đa tầng, phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Từ trước tới nay, Việt Nam chỉ duy trì BHXH cơ bản, tức là người lao động có tiền lương, đóng BHXH trên nền tiền lương đó với mức trần nhất định. Đây là hình thức BHXH đơn tầng để đáp ứng cho tất cả các đối tượng, còn Nhà nước có chính sách bảo trợ xã hội cho các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật… Thời gian tới, các tầng trong mạng lưới BHXH sẽ bao gồm tầng 1 là tầng an sinh, tầng 2 là tầng BHXH cơ bản theo nguyên tắc đóng - hưởng, tầng 3 là BHXH bổ sung.

Cụ thể, ở tầng an sinh, Nhà nước bảo đảm mọi công dân tới tuổi tham gia thị trường lao động đều được đóng BHXH, để sau này về hưu có lương hưu ở mức tối thiểu (nhưng không bao gồm các đối tượng được Nhà nước bảo trợ). Mức lương tối thiểu này đủ để trang trải các chi phí thiết yếu như ăn, ở, nước sạch, tiếp cận thông tin, y tế… Tất cả mọi người đều hưởng một mức lương hưu như nhau.

Tầng BHXH thứ 2 theo nguyên tắc đóng - hưởng. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng BHXH. Người lao động có thể tự kiểm tra quá trình đóng của mình và các khoản đầu tư sinh lời thông qua tài khoản cá nhân. Tới khi về hưu, người lao động có thể lấy trước một lần cho một phần tiền mình đã đóng góp, số còn lại được chia bình quân để hưởng theo tháng (theo mức sàn). Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào BHXH cũng phải thay đổi so với hiện hành, có thể là mỗi bên đóng góp 50% (hiện nay người lao động đóng 8% vào quỹ BHXH, chủ sử dụng lao động đóng 14% cho các quỹ hưu trí, tử tuất, thai sản, thất nghiệp).

Tầng 3 là tầng BHXH bổ sung, những người lao động có thu nhập cao, hoặc chủ sử dụng lao động muốn thêm ưu đãi cho người lao động có thể đóng thêm (sau khi đã tham gia các mức đóng cơ bản), để sau này người lao động về hưu sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Khoản tiền đóng góp ở tầng này có thể được đem đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời cao để tạo thêm giá trị cho khoản đóng góp của người lao động. Ở tầng này, tùy vào thu nhập, người lao động có thể lựa chọn tham gia hoặc không.

Chú trọng chia sẻ

Những chính sách BHXH mới đã kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý đang tồn tại. Mặc dù thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, nhưng mới thực hiện rõ nét với BHXH ngắn hạn, chưa thể hiện rõ trong thiết kế chính sách về hưu trí. Chính sách lương hưu vẫn chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng, tức là đóng cao - hưởng cao tuyệt đối. 64% những người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp hơn mức bình quân (khoảng 4,5 triệu đồng/tháng). Khoảng cách giữa những người hưởng mức lương hưu cao và thấp ngày càng lớn.

Chính sách BHXH mới được thông qua chú trọng sự chia sẻ ở nhiều khía cạnh: Giữa nam và nữ, giữa người tham gia trong thời gian dài và người tham gia thời gian ngắn, giữa người có mức đóng cao và người có mức lương hưu thấp. Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây không phải chia sẻ một cách sòng phẳng mà chia sẻ mang tính tương đối. Người lao động đóng cao vẫn hưởng mức cao một cách tương đối, chứ không phải đóng cao hưởng cao tuyệt đối như hiện nay. Như vậy, khoảng cách về lương hưu được thu hẹp.

Những nội dung khác mang tính chất đột phá của chính sách BHXH là tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần; thiết kế lại các tham số BHXH để bảo đảm đạt mục tiêu bền vững tài chính của các quỹ BHXH thành phần; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45-50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội...

Khánh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/903225/dap-ung-nhu-cau-da-dang-cua-nguoi-dan