Đập thủy điện, một cuộc 'đặt cược' ngày càng rủi ro

Thủy điện đã từng được xem là nguồn năng lượng sạch, và một nguồn không gây ô nhiễm không khí nhưng các nhà khoa học bắt đầu lo ngại về các tác động môi trường từ các đập thủy điện. Việc xây dựng một con đập có thể thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương và cộng đồng dân cư sống gần đó.

Việc xây dựng các đập thủy điện tạo ra rủi ro cho môi trường

Năm 1882, nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động ở Wisconsin, Mỹ và vào những năm 1940, các nhà máy thuy điện đã cung cấp tới 40% tổng năng lượng cho nước Mỹ. Hiện nay, thủy điện chỉ còn cung cấp khoảng 7% tổng điện năng của Mỹ.

Thủy điện đặc biệt hấp dẫn với các nước phát triển vì nhanh chóng đáp ứng các mục tiêu phát điện năng lượng ít ô nhiễm. Trong số 17 quốc gia thu được hơn 90% lượng điện từ thủy điện, 14 trong số đó là những nước nghèo nhất trên thế giới.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, luôn sẵn sàng xây dựng các đập thủy điện. Điều này mang lại món hời béo bở cho các công ty Trung Quốc và cơ hội kiếm được lợi ích chính trị trên toàn thế giới. Chiến lược này lý giải một phần của “sự bùng nổ toàn cầu” trong sản xuất thủy điện dự kiến trong hai thập kỷ tới - ước tính có 3.700 đập lớn đang được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thời tiết ngày càng trở nên cực đoan và thất thường, thủy điện là một mối rủi ro tiềm ẩn đáng kể.

“Trong một thế giới mà khí hậu đang thay đổi, giá trị của thủy điện trở nên không chắc chắn hơn”, Peter Gleick thuộc Viện Thái Bình Dương ở Oakland, California, Mỹ nói.

Hiện tại có 11 dự án đập khổng lồ đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2025, bao gồm đập Xayaburi khổng lồ trị giá 3,5 tỷ USD trên sông Mekong ở miền bắc Lào. Mặc dù ước đoán, các dự án thủy điện này sẽ tạo ra 3,7 tỷ USD thu nhập hàng năm, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến hơn 200.000 người và có thể gây ra sự tuyệt chủng của một số loài cá sống ở các vùng lân cận. Đơn cử, lượng cá hồi hoang dã trong lưu vực sông Columbia đã giảm khoảng 85% kể từ khi các đập thủy điện hoạt động 50 năm trước.

Ngân hàng Thế giới, vốn tài trợ các dự án phát triển lớn như xây dựng đập ở các nước nghèo, thừa nhận rằng thủy điện là một cuộc “đặt cược” ngày càng rủi ro.

Đập Renaissance Grand Ethiopia, sau khi hoàn thành vào năm 2017 với sự trợ giúp của đầu tư Trung Quốc, là cơ sở sản xuất thủy điện lớn nhất châu Phi và sẽ tăng gấp 3 lần nguồn cung cấp điện của Ethiopia, biến Ethiopia thành một trong những quốc gia xuất khẩu điện lớn trên thế giới. Điều này sẽ đem lại các lợi ích kinh tế cho Ethiopia nhưng các phân tích độc lập cho thấy, con đập mới cũng làm cho nước này dễ bị tổn thương hơn trước sự thay đổi khí hậu trong tương lai.

Đập thủy điện Renaissance Grand của Ethiopia

Bên cạnh đó, nếu một quốc gia quá phụ thuộc vào một nguồn năng lượng, quốc gia đó càng dễ bị tổn thương bởi sự thất bại về mặt công nghệ hoặc sự biến đổi khí hậu, ông Gleick cảnh báo. "Chúng ta cần thiết kế hệ thống năng lượng có thể thích ứng khi đối mặt với sự biến đổi khí hậu ngày càng tăng”, chuyên gia viện Thái Bình Dương nói. Bởi theo dự báo, trên khắp phương Tây, gần một nửa số nhà máy điện sẽ giảm sản lượng do biến đổi khí hậu trong tương lai.

Thực tế, sự thiếu hụt năng lượng do quá phụ thuộc vào thủy điện đã xảy ra. Ở châu Mỹ Latinh, nơi được cho là khu vực hiện phụ thuộc nhiều nhất vào thủy điện, lưu vực sông Amazon khổng lồ của Brazil hiện đang cung cấp khoảng 70% sức mạnh của đất nước, nhưng tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng mà khu vực này đang đối mặt kéo theo việc mất điện trên toàn quốc.

Hay tại bang Washington, Mỹ nơi có 69% năng lượng từ thủy điện - chủ yếu từ Đập Grand Coulee khổng lồ - vừa tuyên bố tình trạng hạn hán khẩn cấp và dự báo sẽ gặp phải tình trạng thiếu năng lượng lớn hơn trong tương lai.

Ngay cả các quốc gia không phụ thuộc vào thủy điện vẫn dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ấn Độ chỉ phụ thuộc khoảng 20% lượng điện từ các đập, nhưng lượng mưa thấp trong mùa mưa đã dẫn đến tình trạng thiếu nước cho các nhà máy điện than và hạt nhân hoạt động, gây ra vụ mất điện tồi tệ nhất trong năm 2012 khi khoảng 670 triệu người bị cắt điện.

THANH HƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dap-thuy-dien-mot-cuoc-dat-cuoc-ngay-cang-rui-ro-post223834.html