Đắp thuốc nam trị bỏng, bé 17 tháng nhiễm trùng nặng

Thay vì đưa bệnh nhi tới bệnh viện để thăm khám và điều trị, gia đình bé trai lại tự ý chữa trị bằng thuốc nam khiến hai chân bé bị nhiễm trùng nặng.

Đắp thuốc nam trị bỏng, bé 17 tháng nhiễm trùng nặng - Ảnh: Infonet

Đắp thuốc nam trị bỏng, bé 17 tháng nhiễm trùng nặng - Ảnh: Infonet

Theo thông tin từ Zing, bé trai 17 tháng tuổi được đưa vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viên Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), trong tình trạng quấy khóc, chân bị bỏng, sưng nề, chảy dịch đục, trợt da, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, cử động cổ chân hạn chế.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé trai bị bỏng nước sôi cách đây 6 ngày. Tuy nhiên, gia đình không đưa trẻ đến bệnh viện mà dùng thuốc nam để đắp vào vết bỏng. Sau 6 ngày được đắp thuốc, trẻ sốt, quấy khóc, bàn chân sưng to, vết bỏng không đỡ, nóng và chảy dịch. Thấy vậy, gia đình mới cho con nhập viện.

Các bác sĩ đã nhanh chóng sát khuẩn, chuyển phẫu thuật để làm sạch vết thương cho bệnh nhi. Trẻ được chẩn đoán bị bỏng ở mức độ II, III.

Theo các bác sĩ, nếu bệnh nhi được đưa ngay tới bệnh viện để xử lý, vết thương sẽ hồi phục nhanh và không để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, vết bỏng của trẻ không được điều trị đúng cách, gây nhiễm trùng nặng cả hai bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.

Hiện, bé trai này được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý dùng lá thuốc để điều trị vết bỏng, tránh xảy ra tính trạng nhiễm trùng, hoại tử sâu.

Trao đổi với Infonet, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại bệnh viện này cũng thường xuyên tiếp nhận các bé bị bỏng do sơ cứu sai cách. Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc với chất lỏng nóng (hơn 70%), phỏng lửa thường là nguyên nhân thứ hai, kế đến là phỏng do điện hoặc do yếu tố hóa học như acid….

Bác sĩ Nhân cho biết khi bị bỏng cần sơ cứu đúng, đưa ra khỏi nguồn nhiệt, làm nguội vết phỏng. Uống nhiều nước khi phỏng nặng. Hạn chế vô khuẩn, đắp gạc vô trùng lên vết phỏng, thoa kem chống phỏng. Phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng sung, đỏ, có mũ cần dùng kháng sinh

Khi bị bỏng, tuyệt đối không thoa kem đánh răng lên vết phỏng, đổ nước mắm lên vết bỏng, chọc hút dịch bỏng.

Để phòng trẻ bị bỏng, bác sĩ Nhân khuyến cáo nên để xa tầm tay trẻ em: Bình thủy, nước sôi. Hóa chất: acid..

Điện, nhất là những ổ điện để thấp như ổ điện tivi, thần tài, những ổ điện không sử dụng cần bít lại bằng những miếng cao su..

PV (Tổng hợp)

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/dap-thuoc-nam-tri-bong-be-17-thang-nhiem-trung-nang-185022.html