Đập Tam Hiệp trước thách thức lịch sử lặp lại

Trung Quốc cấp tập xả 20 tỷ mét khối nước tại đập Tam Hiệp sau khi mực nước 71 con sông đã vượt mức báo động.

Trang tin tức tiếng Anh ecns.cn của Tân Văn xã ngày 3/6 đưa tin, nhà điều hành đập Tam Hiệp đang gấp rút xả lượng nước khổng lồ khỏi con đập Tam Hiệp.

Hồ điều chỉnh mực nước theo tình hình lũ lụt và sinh thái của vùng trung và hạ du sông Dương Tử. Ảnh: China News Service

Hồ điều chỉnh mực nước theo tình hình lũ lụt và sinh thái của vùng trung và hạ du sông Dương Tử. Ảnh: China News Service

Ban quản lý đã xả hơn 19,6 tỉ mét khối nước, khoảng 90% dung tích của hồ chứa, để chuẩn bị cho mùa lũ sắp đến. Mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp đã giảm xuống còn 149,4 mét tính đến 14 giờ ngày 2/6.

Những bức ảnh được chụp lại cho thấy cù lao ở giữa hồ nổi rõ lên do mực nước rút thấp. Dự kiến, mực nước tại đập Tam Hiệp sẽ tiếp tục được xả xuống còn 145 mét trước ngày 10/6 để chuẩn bị đón lũ từ đầu nguồn sông Dương Tử đổ về.

Ảnh cho thấy hòn đảo dưới sông xuất hiện khi mực nước giảm xuống. Ảnh: China News Service

Thông tin này được đưa ra giữa lúc có hơn 70 con sông tại hạ nguồn Tam Hiệp đã dâng lên mức cảnh báo.

Tân Hoa xã đưa tin hôm 2/6, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một mùa lũ lớn.

Hồ chứa rút nước chuẩn bị cho lũ. Ảnh: China News Service

Bộ Thủy lợi Trung Quốc tuần trước cảnh báo nước này đang chuẩn bị đương đầu với một mùa lũ lụt nghiêm trọng khi mực nước của 71 con sông đã vượt mức báo động, trong khi tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến thời tiết khắc nghiệt hơn.

Mưa ở một số khu vực miền trung và miền nam Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây mặc dù lượng mưa tổng thể năm nay thấp hơn khoảng 10% so với năm ngoái.

Hồ chứa Tam Hiệp chuẩn bị cho mùa lũ mới. Ảnh: China News Service

Bộ trên cho biết mực nước trên sông Dương Tử và các phụ lưu của nó dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong tuần tới và cảnh báo về những trận lũ lụt lớn trên khắp đất nước từ tháng 6 đến tháng 8.

Các cơn mưa từ tháng 5 tại khu vực hồ Động Đình và hồ Bà Dương ở hạ nguồn đập Tam Hiệp đã làm mực nước tại các nhánh sông Dương Tử tại các khu vực này dâng lên. Tại nhiều thành phố như Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, mực nước đã đạt mức cảnh báo.

Hồ chứa rút nước chuẩn bị cho lũ. Ảnh: China News Service

Ở thời điểm này vào năm ngoái, Trung Quốc cũng đã lâm vào tình trạng lũ lụt kinh hoàng trong lịch sử. Cuối tháng 6 Trung Quốc tiến hành xả lũ trên đập Tam Hiệp. 34 máy phát điện của đập hoạt động đầy đủ và gần đạt công suất tối đa.

Theo các quan chức Trung Quốc, trong đợt lũ lịch sử năm ngoái, đập Tam Hiệp đã phát huy hiệu quả của việc giảm lũ. Con đập cao 185 mét đã giữ lại hơn 1/3 lượng nước lũ trên thượng nguồn sông Dương Tử.

Tân Hoa Xã cho biết, không có trận lụt nghiêm trọng nào được báo cáo trên khắp các thành phố lớn, bao gồm Vũ Hán phía đông đập, và con đập đã giảm nhẹ mối đe dọa lũ lụt.

Clip mưa lớn gây ngập tại hạ nguồn Tam Hiệp:

Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân cho rằng "kế hoạch chi tiết" về xả nước trong hồ chứa, đặc biệt là Tam Hiệp, đã tỏ ra hiệu quả trong việc kiểm soát lũ năm nay.

Ông cho biết 64,7 tỷ mét khối nước lũ đã được trữ lại trong 2.297 hồ chứa, bao gồm 2,9 tỷ mét khối tại Tam Hiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mực nước sông Trường Giang cũng như các hồ lớn nhận nước từ dòng sông này dâng cao ở mức lịch sử đã chứng minh đập Tam Hiệp không đáp ứng được mục tiêu "cắt lũ" như thiết kế.

David Shankman, nhà địa lý học đại học Alabama, chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc nói: "Một trong những lý do chính mà đập Tam Hiệp được xây dựng là kiểm soát lũ, nhưng chưa đầy 20 năm sau khi nó hoàn thành, chúng ta lại chứng kiến mực nước lũ lên cao nhất trong lịch sử. Thực tế là Tam Hiệp không thể ngăn chặn những trận mưa lũ nghiêm trọng như vậy."

Shankman cho rằng đập Tam Hiệp giúp giảm lũ trong những năm bình thường, nhưng nó luôn dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt hơn và vấn đề càng trầm trọng hơn khi vùng bãi bồi ở hạ lưu bị thu hẹp.

Fan Xiao, nhà địa chất người Trung Quốc từ lâu luôn phê phán các dự án xây đập khổng lồ, cho biết khả năng lưu trữ nước tại Tam Hiệp chưa tới 9% lượng nước lũ trung bình.

"Nó chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ lụt ở thượng nguồn, nhưng không thể ngăn chặn lũ gây ra bởi mưa lớn ở vùng trung và hạ du sông Trường Giang", ông nói.

Ông Fan cho biết Tam Hiệp và các dự án đập thủy điện lớn khác thậm chí có thể khiến lũ lụt tồi tệ hơn do thay đổi dòng chảy trầm tích dưới lòng sông Trường Giang. Việc xây đập để phát điện cũng hạn chế chức năng kiểm soát lũ của dự án.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay Trung Quốc đã dùng 830 triệu nhân dân tệ (hơn 119 triệu USD) từ ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do lũ lụt, trong đó có việc khôi phục các cơ sở sản xuất nông nghiệp và thủy lợi bị phá hủy.

Clip mưa lớn ở hạ nguồn Tam Hiệp gây ngập:

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dap-tam-hiep-truoc-thach-thuc-lich-su-lap-lai-3433266/