Đập tạm, giải pháp kiểm soát mặn đặc thù nhất ở Kiên Giang

Mùa hạn mặn vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp dẫn nước, trữ nước, như đắp đập tạm tại các nhánh sông chưa có công trình điều tiết kiểm soát mặn.

 Đắp đập tạm là giải pháp tình thế mà các địa phương đang gấp rút triển khai để kiểm soát hạn, mặn. Ảnh: Đào Chánh.

Đắp đập tạm là giải pháp tình thế mà các địa phương đang gấp rút triển khai để kiểm soát hạn, mặn. Ảnh: Đào Chánh.

Nhiều giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, trước mùa hạn, mặn 2019 - 2020, đơn vị đã chỉ đạo triển khai gia cố, đắp mới hơn 200 đập tạm thời vụ để bảo vệ sản xuất, với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Nạo vét kênh mương để dẫn nước, lắp đặt trạm dã chiến, tổ chức bơm chuyền để tận dụng nguồn nước.

Các giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao, điển hình như việc đắp đập tạm đã kiểm soát mặn xâm nhập vào trong nội đồng.

Đồng thời, trữ lại lượng nước ngọt sẵn có, nhiều nơi đã bảo đảm dự trữ đủ để cấp nước tưới cho cây trồng. Việc nạo vét kênh mương, tăng cường bơm nước đã tận dụng được nguồn nước ngọt khi xâm nhập mặn tăng cao.

Chi cục Thủy lợi Kiên Giang quản lý, vận hành hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống), dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No (35 cống) để kiểm soát mặn, giữ ngọt hiệu quả đảm bảo phục vụ cho sản xuất vụ mùa, đông xuân 2019 - 2020.

Gia cố, đắp mới 202 đập kiểm soát mặn theo thời vụ, trong đó có 4 đập lớn bằng cừ thép Larsen để bảo vệ lúa trong vụ mùa và đông xuân 2019 - 2020. Tiếp tục kiểm soát hạn mặn cho vụ hè thu 2020 và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sau đợt hạn mặn 2015 - 2016, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng hoàn thành 6 cống phục vụ kiểm soát mặn, giữ ngọt trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Hệ thống cống ven biển thành phố Rạch Giá: Đã xây dựng hoàn thành 2/3 cống (cống Sông Kiên, cống Kênh Cụt). Còn cống kênh Nhánh đã thi công từ tháng 10/2019, dự kiến đến tháng 12/2020 hoàn thành.

Hệ thống cống ven sông Cái Lớn, Cái Bé đã xây dựng hoàn thành 3/7 cống (cống Rạch Cà Lang, cống Kênh Đập Đá, cống Kênh Sóc Tràm). Còn 4 cống đang tổ chức thi công xây dựng, trong đó cống rạch Tà Niên đã thi công từ tháng 12/2019, dự kiến đến tháng 6/2020 hoàn thành.

Mùa hạn mặn vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp dẫn nước, trữ nước, như đắp đập tạm tại các nhánh sông chưa có công trình điều tiết kiểm soát mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc đắp đập tạm được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên cũng còn những hạn chế như:

Thứ nhất, tốn chi phí hàng năm để gia cố.

Thứ hai, trong quá trình đắp đập ngăn dòng nên ảnh hưởng một phần đời sống của bà con trên địa bàn.

Tuy nhiên, xem xét toàn diện thì hiệu quả đem lại nhiều so với ảnh hưởng và bà con ủng hộ chủ trương này.

Quan điểm của các địa phương cũng đồng tình cao, sử dụng giải pháp công trình tạm thời, đắp các đập tạm để kiểm soát mặn bảo vệ những vùng sản xuất theo quy hoạch.

Cống Cái Lớn, Cái Bé đang được Bộ NN-PTNT tổ chức thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Cống âu thuyền Vàm Bà Lịch đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt vào tháng 11/2019, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 6/2020, đến cuối năm 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Riêng hệ thống cống ven biển An Biên - An Minh đã xây dựng hoàn thành cống Xẻo Nhào.

Đối với vùng ven biển An Biên - An Minh, một số khu vực cục bộ ở thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, Gò Quao, Kiên Lương, Giang Thành… bị xâm nhập mặn do hệ thống cống kiểm soát mặn chưa được xây dựng đồng bộ.

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khảo sát, rà soát, nắm chắc tình hình, có biện pháp gia cố, đắp mới các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.

Thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn.

Chưa thay thế được đập tạm

Gò Quao là một trong những huyện đắp nhiều đập tạm nhất trong mùa hạn mặn vừa qua để bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cho biết, để kiểm soát hạn mặn, địa phương triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc đắp đập tạm.

Đặc biệt, Gò Quao là huyện nằm ven sông Cái Lớn, Cái Bé với chiều dài hơn 100km.

Xâm nhập mặn hàng năm trực tiếp từ các cửa ngõ này. Huyện có hơn 400 hệ thống thủy lợi, các kênh lớn, nhỏ trực tiếp đổ ra các dòng sông lớn.

Qua đó, đối với huyện công tác kiểm soát hạn mặn gặp rất nhiều khó khăn.

Gò Quao là một trong những huyện đắp nhiều đập tạm nhất ở Kiên Giang trong mùa hạn mặn vừa qua để bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với Gò Quao, do đặc thù vừa nuôi thủy sản, trồng lúa và cây ăn trái, đã ưu tiên cho các vùng sản xuất lúa nằm ven sông Cái Lớn, Cái Bé với diện tích hơn 10.000ha và trên 720ha sản xuất cây ăn trái để ưu tiên đắp đập tạm trong mùa hạn mặn.

Theo ông Toàn, năm 2020 để bảo vệ vụ lúa đông xuân và vụ mùa lấp vụ đã triển khai đắp 140 đập tạm, kinh phí 9,3 tỷ đồng, bình quân mỗi đập chỉ sử dụng 66,4 triệu đồng.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn đến nay đã có 89km đê bao ven sông. Hệ thống thủy lợi cấp 4 và hệ thống thủy lợi nội đồng cơ bản được đầu tư nạo vét, đê bao bảo vệ để chủ động sản xuất đạt 89,9% diện tích.

Riêng vụ hè thu năm nay, toàn huyện đã xuống giống hơn 11.700/25.200ha, chiếm 46% diện tích. Do đặc thù vùng nên Gò Quao xuống giống chậm hơn các vùng khác. Phấn đấu đến cuối tháng 6 xuống giống xong cho vụ hè thu này.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, mặn mùa khô năm nay xuất hiện sớm hơn mùa khô 2015 - 2016 khoảng 20 ngày, sớm hơn trung bình năm ngoái khoảng 2 tháng.

Để chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát hạn hán, xâm nhập mặn, địa phương đã vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, hệ thống cống ở các huyện.

Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới các đập kiểm soát mặn theo thời vụ, bảo vệ lúa trong vụ đông xuân 2019 - 2020 và tiếp tục kiểm soát hạn mặn cho vụ hè thu 2020.

Mùa hạn, mặn 2019 - 2020, ngành nông nghiệp Kiên Giang triển khai gia cố, đắp mới hơn 200 đập tạm thời vụ để bảo vệ sản xuất, với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Tâm cho biết thêm, theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn trước mắt, tăng cường các giải pháp chủ động cấp nước cho các vùng xa nguồn ngọt, chú trọng tích nước tại chỗ, xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, trạm bơm, xây dựng hệ thống kênh trục chuyển nước, chuyển đổi một số đập tạm thành các cống chủ động điều tiết...

Về lâu dài, xem xét tiếp việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông lớn để kiểm soát nguồn nước ngọt, khống chế ranh mặn hợp lý, kết hợp chống ngập và hạn chế các tác động từ biển, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng sinh thái.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, trong đó có tỉnh Kiên Giang.

Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh Kiên Giang bố trí kinh phí đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy cấp nước để bảo đảm cung cấp cho 9.000 hộ. Cấp nước bằng xe bồn, téc cho các hộ dân trong thời gian xâm nhập mặn lên cao; khoan bổ sung 4 giếng nước ngầm cấp tạo nguồn nước cho các trạm: An Biên, Kiên Lương và U Minh Thượng.

Xây dựng hồ chứa nước cho các xã đảo, nơi nào không thể làm hồ chứa do thiếu mặt bằng thì sử dụng các bồn chứa có dung tích lớn dự trữ nước ngọt. Khi vào cao điểm mùa khô, UBND xã sẽ phân phối nước ngọt miễn phí cho người dân trên đảo sử dụng theo định mức quy định/đầu người/ngày.

LÊ HOÀNG VŨ – ĐÀO CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dap-tam-giai-phap-kiem-soat-man-dac-thu-nhat-o-kien-giang-d267525.html