Dập lửa xung đột

Với tư cách là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Ai Cập A.Sisi đã tổ chức cuộc gặp ba bên mang tên Hội nghị cấp cao Tam hùng, nhằm bàn thảo về các cuộc khủng hoảng ở châu Phi, trong đó có diễn biến phức tạp ở Libya và Sudan. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đưa ra giải pháp tháo ngòi nổ xung đột, ngăn chặn căng thẳng lan rộng trong khu vực.

Hội nghị cấp cao Tam hùng có sự tham gia của các nhà lãnh đạo “bộ ba” quốc gia giữ cương vị Chủ tịch AU các năm liên tiếp, gồm Rwanda (2018), Ai Cập (2019) và Nam Phi (2020), cùng Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) M.Faki. Với nỗ lực nhằm góp phần hướng tới mục tiêu “Im tiếng súng vào năm 2020” tại châu Phi, nhóm các nước châu Phi vừa trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết cảnh báo về nguy cơ bất ổn chính trị, an ninh ở Libya và Sudan. Nếu không có một giải pháp của khu vực đưa ra cho hai cuộc khủng hoảng này, sự can thiệp của bên ngoài có thể sẽ khiến tình hình thêm rối ren, phức tạp.

Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng K.Haftar đang tăng cường hoạt động tiến công vào thủ đô Tripoli hiện nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. Xung đột tại Libya đã buộc Liên hợp quốc hoãn hội nghị nhằm vạch lộ trình cho cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia Bắc Phi này. Giao tranh đã khiến hơn 250 người chết và 35 nghìn người mất nhà ở. Trong khi đó, việc tìm giải pháp nhằm chấm dứt xung đột và đưa các bên đối địch ở Libya ngồi vào bàn đàm phán vấp phải không ít trở ngại, khi có sự can thiệp của bên ngoài. Mới đây, hàng nghìn người ủng hộ GNA đã tập trung biểu tình tại quảng trường trung tâm thủ đô Tripoli để phản đối sự ủng hộ của Pháp đối với chiến dịch quân sự của Tướng K.Haftar. Những người biểu tình kêu gọi nước ngoài không can thiệp công việc nội bộ Libya. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp đã bác bỏ cáo buộc, đồng thời khẳng định ủng hộ chính phủ hợp pháp và nỗ lực hòa giải của Liên hợp quốc tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho Libya.

Hai quốc gia châu Âu, gồm Pháp được cho là ủng hộ lực lượng của Tướng K.Haftar và Italy ủng hộ GNA, đều khẳng định phối hợp nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Le Drian thừa nhận, khó có thể làm được điều gì ở Libya nếu không có một thỏa thuận chắc chắn giữa Pháp và Italy. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cũng đã trao đổi qua điện thoại với Tướng K.Haftar về những nỗ lực chống khủng bố, cũng như sự cần thiết đạt được hòa bình và ổn định tại Libya. Tuy nhiên, các nước trong khu vực đều khẳng định, một giải pháp chính trị phải do chính người dân Libya quyết định.

Trong khi đó, tại Sudan, trước sức ép của làn sóng biểu tình, Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) đang liên lạc với tất cả lực lượng chính trị ở nước này nhằm bổ nhiệm thủ tướng và thành lập một chính phủ dân sự sớm nhất có thể. Căng thẳng leo thang tại Sudan sau khi các cuộc đối thoại giữa người biểu tình và TMC đổ vỡ. Trong khi nhiều nước ở khu vực lên tiếng ủng hộ quân đội Sudan tạm nắm quyền để ổn định tình hình đất nước, thì các nước phương Tây lại hối thúc nhanh chóng chuyển giao quyền lực do một chính phủ dân sự. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vẫn liệt Sudan vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố và nhấn mạnh chính sách của Washington với Khartoum dựa trên những đánh giá của Mỹ về diễn biến trên thực địa và những hành động của chính quyền chuyển tiếp. Những diễn biến ở Libya và Sudan khiến các nước trong khu vực lo ngại sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền. Người biểu tình ở Mali mới đây cũng đã gây sức ép buộc chính phủ của Thủ tướng B.Maiga phải từ chức.

Với vai trò quan trọng tại khu vực, các nước tham gia Hội nghị cấp cao Tam hùng tại Ai Cập được hy vọng sớm tìm ra cách thức để “dập lửa xung đột” ở Libya và Sudan, tránh để cháy lan. Tuy nhiên, đây được cho là nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức, trong bối cảnh sự can thiệp của bên ngoài vào các cuộc khủng hoảng ở châu Phi không phải câu chuyện mới.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39960802-dap-lua-xung-dot.html