Đáp án mới cho bài toán tiết kiệm chi

Thất thoát, lãng phí trong chi thường xuyên vốn là bài toán khó giải tồn tại lâu nay, mặc dù nhiều giải pháp đã được triển khai khá quyết liệt.

Số liệu của các bộ, ngành, địa phương năm 2017 cho thấy, sau khi "giương ngọn cờ tiết kiệm", con số cả nước giữ lại được lên tới 51.401 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại DNNN là 3.456 tỷ đồng. Tuy đã tiết kiệm hơn nhưng tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức; dự toán nhiều công trình đội vốn cao; giải ngân vốn vay ngoài nước vượt kế hoạch; nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; chuyển nguồn lớn, thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra.

Trong quá trình điều hành NSNN, Bộ Tài chính xác định ngoài nguyên nhân hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, còn do tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng NSNN, tài sản công. Trước thực tế đó, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách ngay từ khâu lập dự toán trong vài năm trở lại đây là động thái quyết liệt, cụ thể của Bộ Tài chính trước tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

Hành động của Bộ Tài chính đã được Chính phủ đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ. Do vậy, cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn trong thời gian tới, kể cả với đơn vị sự nghiệp cũng như đơn vị hành chính. Với sự ủng hộ này, Bộ Tài chính đã đưa ra một “đáp án” mới, đó là gắn chặt công tác xây dựng dự toán chi với mục tiêu tinh giản biên chế cũng như nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Từ đó, ước tính được kinh phí dành ra đối với các cơ quan hành chính từ giảm chi cho con người, cho hoạt động bộ máy và chi cho cơ sở vật chất... Và việc này đã được áp dụng khi xây dựng dự toán cho năm 2019.

Không những thế, trong thời gian tới, việc trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai nhưng phải đi kèm với yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và tới từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan. Để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai NSNN từ khâu dự toán đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.

"Đáp án" mới này đang được kỳ vọng sẽ giữ lại cho "túi tiền ngân sách" nhiều tỷ đồng hơn nữa.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dap-an-moi-cho-bai-toan-tiet-kiem-chi.aspx