Đáp án bài toán năng suất: Thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh

Theo đánh giá trong khu vực ASEAN hay bình diện toàn châu Á, năng suất lao động tại Việt Nam còn ở 'vùng trũng'. Khi cạnh tranh một cách sòng phẳng thì bài toán năng suất cần phải được giải quyết. Và rõ ràng, đáp án của bài toán năng suất chính là thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong thời đại áp dụng công nghệ 4.0, sản xuất thông minh đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong đó, sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) là việc áp dụng sự tiên tiến của công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh trong chu trình sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian cũng như chi phí và bảo vệ môi trường.

Nói cách khác, sản xuất thông minh chính là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất nhằm tối ưu hóa năng suất của quy trình sản xuất, đáp ứng sự biến đổi năng động trong thị trường.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) chỉ ra các yếu tố cốt lõi của sản xuất thông minh, cụ thể: Yếu tố nền tảng đầu tiên cần chú trọng khi áp dụng sản xuất thông minh nằm ở con người. Trong đó, quan trọng nhất là tầm nhìn, kiến thức, khả năng nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp.

Yếu tố thứ hai phải kể đến là hệ thống quản lý được áp dụng cho doanh nghiệp. "Về vấn đề này, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho hàng loạt doanh nghiệp về các hệ thống quản lý, đặc biệt như các tiêu chuẩn ISO. Hiện nay, theo xu hướng chung, trước khi muốn chuyển sang sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tinh gọn, điển hình như Lean. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề cấp thiết cần triển khai là tiến hành đánh giá doanh nghiệp xem trình độ sản xuất đang ở đâu, định hướng phát triển thế nào", ông Hiệp nói.

Đáp án của bài toán năng suất chính là thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.

Đáp án của bài toán năng suất chính là thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.

Dẫn chứng từ việc áp dụng sản xuất thông minh tại doanh nghiệp mình, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà chỉ ra, trong sản xuất thông minh, quản trị làm giảm thời gian chết (thời gian tồn kho, thời gian logistics…), giảm các chi phí liên quan, đáp ứng đơn hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Ông Tân nhấn mạnh, sản xuất thông minh giúp tăng năng suất lao động: “Tại Việt Nam, theo đánh giá trong khu vực ASEAN hay bình diện toàn châu Á, năng suất lao động tại Việt Nam còn ở “vùng trũng”. Khi cạnh tranh một cách sòng phẳng thì bài toán năng suất cần phải được giải quyết. Và rõ ràng, đáp án của bài toán năng suất chính là thông minh hóa quá trình sản xuất, kinh doanh”.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cho biết thêm, hiện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai hỗ trợ đánh giá thực trạng tại 8 doanh nghiệp, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất thông minh cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Tổng cục cũng đang triển khai áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ASC95 - tiêu chuẩn giúp kết nối sản xuất thông minh và đánh giá mức độ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh dựa trên tiêu chuẩn này. Năm 2020, Tổng cục dự kiến trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành khung tiêu chuẩn về sản xuất thông minh.

“Sản xuất thông minh bao gồm rất nhiều quy trình, phân vùng, cần có khung tiêu chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp trong từng quy trình, giai đoạn cụ thể nên áp dụng tiêu chuẩn nào của thế giới hay tiêu chuẩn nào mà Việt Nam đã có. Thời gian tới (năm 2021) chúng tôi sẽ giao Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn ISO IEC 62244 - tiêu chuẩn rất mới về sản xuất thông minh”, ông Hiệp cho hay.

Thanh Tùng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/san-xuat-thong-minh-dap-an-cho-bai-toan-nang-suat-d177808.html