Đảo xa Tiên Nữ rộn rã đón Tết cổ truyền

Trời đất chuyển mình, hoa đào, hoa mai khoe sắc báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Những người lính Hải quân đảo Tiên Nữ - cực Đông của Tổ quốc - cũng đang rộn rã với các hoạt động chào năm mới, vui đón Tết cổ truyền.

 Chiến sỹ đứng gác ở đảo Tiên Nữ (Ảnh: Hoàng Minh)

Chiến sỹ đứng gác ở đảo Tiên Nữ (Ảnh: Hoàng Minh)

Cách đất liền gần 400 hải lý, đảo Tiên Nữ thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là nơi đón bình minh đầu tiên của đất nước. Lính đảo tâm niệm, khi chuyến tàu Hải quân từ đất liền ra thăm, chúc Tết, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm ngày Tết, ra tới đảo là Tết đến, Xuân về.

Không có hoa đào, hoa mai, các chiến sỹ tự sáng chế ra cành mai riêng của đảo

Các chiến sỹ đảo tự chế cành mai theo cách riêng của đảo (Ảnh: Hoàng Minh)

Từ ngày tàu cập cảng, cán bộ, chiến sĩ bắt đầu hối hả với công tác chuẩn bị vui xuân đón Tết. Đại úy Lê Văn Anh, Chính trị viên đảo, chia sẻ: "Được sự quan tâm của thủ trưởng cấp trên, các cá nhân, đoàn thể, anh em ở đảo đón Tết cũng có đầy đủ lương thực, thực phẩm ăn tết như: Thịt bò, gạo nếp, lá dong, dưa hành, câu đối… Anh em đón Tết nơi đảo xa nhưng vẫn đậm đà hương vị Tết cổ truyền".

Đón Xuân, không có cành mai như ở đất liền, các chiến sĩ đã tự chế ra cành mai Tết cho mình theo phong cách riêng của đảo. Một thanh thép được uốn làm thân chính, các thanh thép nhỏ hơn uốn làm cành. Để thân cây to, xù xì có màu xanh rêu như thân mai thật, các chiến sĩ dùng giấy báo cũ vo thành các đoạn thân, sau đó dùng bao bảo quản cắt thành các đoạn dây rồi quấn ép giấy báo theo các đoạn thép thành thân và cành. Hoa và lá mai làm bằng nhựa được mua sẵn và gửi ra từ đất liền. Cây mai tự chế gốc xù xì, thân uốn lượn, hoa rực rỡ đẹp không kém những cây mai bon sai bán ở chợ hoa ngày Tết.

Các chiến sỹ hải quân trồng rau xanh trên đảo Tiên Nữ (Ảnh: Hoàng Minh)

Ngày 28 Tết, đảo Tiên Nữ tổ chức mổ lợn để gói bánh chưng, cả đảo tất bật hơn hẳn những ngày bình thường. Người đun nước, người mài dao, người ngâm gạo, rửa lá dong... mỗi người một việc, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả. Mọi người tranh luận về các món ăn, về phong tục tập quán các vùng miền đón Tết cổ truyền... Tiếng cười đùa vui phấn khởi, rộn ràng không khí Tết.

Binh nhất Trần Trọng Đại, 19 tuổi, quê ở Nghệ An chăm chú quan sát các đồng đội để học gói bánh chưng. Giơ chiếc bánh vừa dày vừa méo lên cao Đại phấn khởi: "Đây là chiếc bánh chưng đầu tiên em biết gói nhưng quan trọng hơn là chiếc bánh được gói ở Trường Sa, ở điểm cực Đông của Tổ quốc. Chiếc bánh chắc sẽ rất là tuyệt vời". Mọi người cùng cười vui với chiến sĩ trẻ nhất đảo.

Đại úy Phạm Đình Luân, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, cho biết: "Trên đảo không gian sinh hoạt hạn chế, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, vì vậy công tác tăng gia sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cán bộ, chiến sĩ đã chủ động tăng gia rau xanh, chăn nuôi lợn, gà, vịt, bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sống thường xuyên cũng như phục vụ bộ đội đón Tết".

Gia cầm được chăn nuôi trên đảo để cải thiện bữa ăn cho chiến sỹ (Ảnh: Hoàng MInh)

Để cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón Tết ấm áp, đủ đầy, bà con nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thông qua Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương đã gửi tặng đảo một cây quất Tết. Chính trị viên Lê Văn Anh chia sẻ: Chúng tôi cảm nhận được hơi ấm từ đất liền. Cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ sẽ tích cực học tập, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".

Đêm giao thừa, cán bộ, chiến sĩ cùng giao lưu văn nghệ, tổ chức hái hoa dân chủ và nghe Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết. Mọi người quây quần bên mâm cỗ và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tết nơi đảo xa nhưng ấm áp, đủ đầy và thắm đượm tình đồng đội thân thương.

Nhớ cha mẹ già ở quê hương khi Tết đến, Xuân về

Sáng mồng Một Tết, sau lễ chào cờ đầu năm, anh em cùng thắp hương tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi gọi điện chúc Tết gia đình, bạn bè, cán bộ, chiến sĩ lại quây quần sẻ chia những câu chuyện gia đình, những phong tục, tập quán đón Tết của các miền quê.

Tết đến, Xuân về, các chiến sỹ gửi gắm nỗi nhớ quê hương bằng nhiều cách của riêng mình (Ảnh: Hoàng Minh)

Đại úy Nguyễn Xuân Tiến, Phó chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ đã 3 lần đón Tết ở Trường Sa. Anh ra đảo Tiên Nữ công tác 5 tháng thì vợ sinh con gái đầu lòng. Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ: "Vợ tôi sinh con khi chồng không ở nhà. Tết này cũng chỉ có hai mẹ con nhưng lần nào gọi điện về nhà cũng động viên chồng yên tâm công tác tốt".

Đại úy QNCN Trần Quang Chiểu, Trưởng xuồng CQ quê ở huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng nước da sạm đen vì nắng, gió biển nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Kể về phong tục tập quán trong dịp Tết đến Xuân về Trần Quang Chiểu phấn khởi: "Nhà tôi gần Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Trạng Trình quê tôi thiêng lắm, quanh năm du khách khắp cả nước về tham quan, du lịch, cầu lộc, cầu tài và đặc biệt là cầu cho con cái chăm ngoan, học giỏi. Năm nào cũng vậy, cả nhà tôi đến đền thắp hương Trạng, mong năm mới sức khỏe, may mắn và cầu cho các cháu học tập tốt".

Sau 3 năm học tại Trường Trung cấp Y dược Thăng Long, Phạm Quang Việt nhà ở phường Đông Hải, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng viết đơn tình nguyện xin vào Quân chủng Hải quân. Nhiều năm công tác tại các đảo trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tháng 8-2020 Việt được điều động làm quân y trên đảo Tiên Nữ. Kể về gia đình mình Việt trải lòng: "Mẹ em sức khỏe yếu, vừa mới phải nghỉ không lương và đóng bảo hiểm chờ mấy năm nữa để làm thủ tục về hưu. Kinh tế gia đình cũng khó khăn nên toàn bộ lương em gửi về để mẹ trang trải cuộc sống và có một chút dành dụm".

Đang trò chuyện cùng cán bộ chiến sĩ thì tiếng chó sủa vang ở khu vực cảng. Mấy ngư dân đậu thuyền gần đảo và đi mủng mang theo mấy khay cá tươi lên chúc Tết anh em trên đảo. Ngư dân Phạm Văn Trinh, ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thuyền viên trên Tàu QNg 91996TS, kể: Dạo tháng 5, tôi bị tai nạn lao động trên biển, may mà được các anh trên đảo cấp cứu kịp thời. Nếu không có các anh chắc tôi đã về với tổ tiên rồi. Hôm nay, đánh bắt gần đảo, anh em tôi vào thăm và chúc tết các anh, mong các anh năm mới mạnh khỏe". Khi được hỏi tại sao không nghỉ ăn Tết thì ngư dân Trinh giải thích: "Sau Tết, giá hải sản thường cao hơn ngày thường đến 30% nên anh em tranh thủ đánh bắt trong dịp này sau đó về bờ sẽ ăn Tết sau".

Giữa trùng khơi, đảo Tiên Nữ vẫn ấm áp bởi tình đoàn kết của đồng chí, đồng đội yêu thương (Ảnh: Hoàng Minh)

Ngoài kia những con sóng bạc đầu đang hung hăng xô vào ghềnh đá như muốn cuốn phăng đi tất cả. Những người lính Hải quân trên các đảo vẫn ngày đêm kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tươi giòn ánh thép của người chiến sĩ trẻ khiến chúng tôi phấn khởi, vui vui. Ăn Tết xa nhà, xa người thân nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn ấm áp bởi tình đoàn kết, đùm bọc của đồng chí, đồng đội, yêu thương.

Nguyễn Ninh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dao-xa-tien-nu-ron-ra-don-tet-co-truyen-20210206095733505.htm