Đạo văn vẫn thành giáo sư, bí thư huyện vỡ nợ

Chuyện ông Nguyễn Đức Tồn- nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vào năm 2007 bị tố đạo văn của nhiều học trò khiến dư luận xôn xao.

Một góc Hồ Soài So - nơi ông Men Pholly cho vợ kinh doanh "chui" - Ảnh: BỬU ĐẤU- Tuổi trẻ

Một góc Hồ Soài So - nơi ông Men Pholly cho vợ kinh doanh "chui" - Ảnh: BỬU ĐẤU- Tuổi trẻ

Những ngày gần đây, giới khoa học nhiều người lên tiếng bất bình với trường hợp của ông Nguyễn Đức Tồn- nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vào năm 2007 bị phát hiện đạo văn nhiều luận án của học trò và cộng sự nhưng vẫn được phong học hàm giáo sư.

Theo đó, cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” – NXB ĐHQG Hà Nội 2002 được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh có tên “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học. Bà Nguyễn Thúy Khanh cũng là nghiên cứu sinh do GS. Tồn hướng dẫn.

Cuốn sách này cũng được cho là đạo gần như toàn bộ 96 trang luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 1991-1995 của ĐH Tổng hợp Hà Nội. Trong một cuốn sách khác, ông Tồn lấy nguyên 1 bài báo của học trò mình là bà Thu Hà đưa vào, nhưng ghi là “có sự cộng tác của bà Hà”.

Chuyện đã rõ ràng là như thế, nhưng theo ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm- Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học về sự việc này. GS Thêm khẳng định, việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật. Việc đạo văn đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha.

Đúng là một câu chuyện nực cười cho nền khoa học. Làm sao có chuyện vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha mà lại tha bổng cho một kẻ trộm chất xám của người khác? Và sau khi được phong danh hiệu Giáo sư, kẻ trộm ấy lại được ngồi hội đồng để xét danh hiệu, chấm luận án cho những trí thức khác? Lòng trung thực ở đâu? Lẽ phải ở đâu? Nếu cứ ứng xử theo lối à uôm trắng đen lẫn lộn thế này, còn ai có lòng tin vào giới khoa học nước nhà nữa?

Các vị giáo sư đứng đầu ngành giáo dục, đã được chọn mặt gửi vàng để làm những người “cầm cân nảy mực”, ấy thế nhưng phát hiện ra trường hợp đạo văn vẫn nể nang cho qua, đem danh hiệu dễ dãi trao cho người đạo văn với lý giải “vì tinh thần nhân văn” thì người dân còn biết tin vào ai nữa?

Cũng giống như một trường hợp cũng gây xôn xao dư luận, đó là ông Men Pholly - bí thư Huyện ủy Tri Tôn (An Giang). Ông này vừa bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy An Giang thi hành kỷ luật cảnh cáo vì kê khai tài sản không rõ ràng, vay hàng chục tỉ đồng mất khả năng chi trả và ưu ái vợ kinh doanh “chui” ở hồ Soài So.

Ông Bí thư Huyện ủy là người đứng đầu tổ chức Đảng của một huyện, ấy vậy nhưng ông vay tiền nhiều đến mức vỡ nợ, ưu ái cho vợ kinh doanh du lịch trái phép và kê khai tài sản không rõ ràng. Một cán bộ có trọng trách mà làm những điều sai trái như vậy được sao?

Thật buồn khi trong xã hội, những trường hợp như ông giáo sư đạo văn, bí thư vỡ nợ như vậy không hiếm. Nó là những biểu hiện cho thấy sự đảo lộn các chuẩn mực, sự lẫn lộn phải trái, trắng đen, sự buông lỏng trong quản lý, sự coi thường kỷ cương pháp luật.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/dao-van-van-thanh-giao-su-bi-thu-huyen-vo-no-3358290/