Đào tạo trực tuyến ở bậc đại học: Không chỉ là giải pháp tình thế

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy hiện cả nước có khoảng 98/240 cơ sở đào tạo đại học (ĐH) đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến (ĐTTT). Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, Bộ đang xây dựng quy chế cho phép ĐTTT kết hợp đào tạo trực tiếp ở các trường. Trong đó, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức ĐTTT trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam sẽ là một trong những phương thức đào tạo phổ biến trong thời gian tới.

Cơ hội để thay đổi

Thông tin từ trường ĐH Nha Trang cho biết nhà trường bắt đầu triển khai dạy trực tuyến từ ngày 30/3. Trong tuần đầu tiên có gần 90% sinh viên tham dự. Sau hơn 1 tuần triển khai, đến nay đã có khoảng 1.500 học phần được mở ra cho sinh viên học tập.

Đánh giá về tính ưu điểm của phương pháp này, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nha Trang thẳng thắn: Đây là phương án hiệu quả nếu chúng ta biết cách khai thác. Ví dụ hiện nay có rất nhiều công cụ, ứng dụng công nghệ hiện đại rất có ích và hỗ trợ đắc lực cho việc học trực tuyến, không giống như trước cần phải trang bị hạ tầng công nghệ thông tin đủ tốt. Bây giờ nhiều ứng dụng miễn phí hoặc chi phí rẻ như Zoom, MS Team, Google Meet, Office 365... giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận bài giảng trực tiếp với khả năng tương tác cao cùng thầy cô giáo đứng lớp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bức tranh ĐTTT của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam hiện có thể chia thành 3 nhóm. Thứ nhất la nhóm các trường đã có kinh nghiệm triển khai về đào tạo từ xa, ĐTTT. Đây là những trường đã sớm quan tâm đầu tư đến hình thức đào tạo này. Họ đã xây dựng và phát triển được hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS), đã cung cấp được đầy đủ nội dung học tập, quản lý được việc học và sự tiến bộ của người học, có phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách chính xác, khách quan bằng công nghệ thông tin. Nhóm này chỉ là số ít các cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình ĐTTX cấp văn bằng điển hình là 2 trường đại học Mở.

Thứ hai, nhóm các trường chưa có hệ thống quản lý học tập (LMS), nhưng bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy - học trực tuyến theo thời gian thực.

Thứ ba là nhóm các trường chưa triển khai, chưa sẵn sàng cho việc tổ chức ĐTTT đối với sinh viên chính quy, mới chỉ ở diện cung cấp tài liệu sinh viên tự học.

Trên thực tế, mỗi nhóm trường có những khó khăn riêng khi triển khai hình thức đào tạo từ xa này. Song nhìn chung, vấn đề cơ bản vẫn nằm ở cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đầy đủ và đồng bộ; thiếu học liệu phù hợp cho ĐTTT; thiếu kinh nghiệm quản lý và các quy trình quản lý phù hợp với ĐTTT. Về phía sinh viên, giảng viên mới được bắt đầu tiếp cận về phương pháp, cách thức đào tạo, học theo hình thức trực tuyến, cần có thời gian thích ứng với công nghệ, phương pháp… Song với những chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT, các trường đang dần chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp theo phương thức truyền thống đối với các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học sang phương thức đào tạo từ xa, ĐTTT.

Không “thả nổi” chất lượng

Đến thời điểm này, Bộ GDĐT chưa đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt do việc ĐTTT hiện vẫn được coi biện pháp tình thế để phòng chống dịch. Tuy nhiên, không vì thế mà chất lượng đào tạo bị “thả nổi”. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, các trường phải có trách nhiệm thực hiện giải trình về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của các học phần dạy trực tuyến. Về lâu dài, Bộ GDĐT đang xây dựng quy chế mới về đào tạo chính quy bậc ĐH, theo đó sẽ bổ sung các quy định theo hướng mở rộng cho phép các khóa chính quy, vừa làm vừa học có thể ĐTTT kết hợp với đào tạo trực tiếp.

Về phía các trường, đây cũng là cơ hội để khẳng định chất lượng làm nên thương hiệu của nhà trường bởi khi triển khai ĐTTT, đối tượng sinh viên sẽ rộng khắp không chỉ trong mà có thể ở nước ngoài. Mới đây nhất, ĐH Đà Nẵng đã ban hành Hướng dẫn về việc đảm bảo chất lượng đối với các học phần theo phương thức đào tạo trực tuyến. Nguyên tắc chính là đảm bảo chất lượng cho các chuẩn đầu ra học phần. Theo đó, để công nhận kết quả học tập theo phương thức ĐTTT, “cơ sở đào tạo phải đảm bảo về LMS, LCMS với đầy đủ công cụ học liệu, hệ thống mô phỏng thí nghiệm, thực hành…”. Các trường, đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng phải triển khai giám sát quá trình đào tạo, có hệ thống thi - kiểm tra đánh giá trực tuyến đảm bảo trung thực, khách quan theo chuẩn đầu ra của từng học phần; lưu hồ sơ quản lý việc dạy-học và đánh giá kết quả học tập…”.

Theo các chuyên gia, trên thực tế để ĐTTT đạt hiệu quả cao nhất thì vai trò kết nối của giảng viên là vô cùng quan trọng. Giảng viên không chỉ có trách nhiệm thực hiện đề cương chi tiết, kế hoạch giảng dạy mà còn chủ động thông báo đến học viên, làm hỗ trợ người học tương tác, thảo luận và phát triển các kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình tương tác trên lớp học online. Để làm được điều đó, mỗi nhà trường cần đề ra những quy định và hướng dẫn thực hiện chi tiết trên cơ sở căn cứ theo chuẩn đầu ra của người học. Khi đó, vai trò của giảng viên phải triển khai tốt việc đào tạo theo chuẩn đầu ra, hướng tới giúp người học đạt được các chuẩn đầu ra của học phần cũng như của mỗi buổi học.

Bộ GDĐT đang xây dựng quy chế mới về đào tạo chính quy bậc ĐH, theo đó sẽ bổ sung các quy định theo hướng mở rộng cho phép các khóa chính quy, vừa làm vừa học có thể đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo trực tiếp.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/dao-tao-truc-tuyen-o-bac-dai-hoc-khong-chi-la-giai-phap-tinh-the-tintuc463753