Đào tạo trực tuyến 'lấn sân' giáo dục truyền thống

Đó là những thách thức được PGS-TS Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nêu tại chương trình ra mắt Chương trình đào tạo trực tuyến bậc cử nhân của trường này vào ngày 7-1.

PGS-TS Vũ Hữu Đức cho rằng sự phát triển của công nghệ làm thay đổi đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo đó các nhà máy thu hẹp nhân công. Vậy mô hình các trường đại học (ĐH) truyền thống đang làm gì để thích ứng sự thay đổi nhanh chóng này, trong khi lâu nay giáo viên là trung tâm, sinh viên "giam" trong bốn bức tường. Và đào tạo trực tuyến là câu trả lời.

Theo PGS-TS Đức, đào tạo trực tuyến "giải phóng" người học khỏi những rào cản về không gian và thời gian. Người học có thể học bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu và tiết kiệm chi phí.

Đào tạo trực tuyến lấy người học làm trung tâm với vai trò chủ động suốt quá trình học, thay vì thầy dạy gì trò học nấy. Theo đó, người học có thể tiếp nhận kiến thức bằng nhiều cách, trong đó có kiến thức từ các đường dẫn của giáo viên để thảo luận.

TS Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến - ĐH Mở TP.HCM, giới thiệu quá trình đào tạo trực tuyến. Ảnh: AN NHIÊN

TS Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến - ĐH Mở TP.HCM, giới thiệu quá trình đào tạo trực tuyến. Ảnh: AN NHIÊN

Qua đó, giáo viên có thể đánh dấu sự tham gia của người học và phân tích xu hướng người học có phù hợp với chương trình hay không.

"Đào tạo trực tuyến không đơn giản là quy trình phổ biến các kiến thức trên mạng mà đó là chu trình phân tích kỹ các gói kiến thức nhằm cung cấp cho người học dễ tiếp nhận và áp dụng vào thực tiễn. Kèm đó là các hoạt động tư vấn, thiết kế hạ tầng công nghệ mạnh mẽ để hỗ trợ người học. Cùng đó, giáo trình cũng được thiết kế riêng trên nền tảng công nghệ tiên tiến" - PGS-TS Đức thông tin.

Trường ĐH Mở TP.HCM đang đào tạo bảy ngành trực tuyến bậc cử nhân gồm: ngôn ngữ Anh, kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực, kinh doanh quốc tế và hai ngành đang bổ sung gồm: luật học, luật kinh tế.

Trước những boăn khoăn nhất về đào tạo trực tuyến là thực hành sẽ diễn ra như thế nào? PGS-TS Đức giải thích: Chương trình đào tạo bậc cử nhân sẽ được cân bằng lý thuyết và thực hành, trong đó phần thực hành sinh viên buộc phải tập trung tại nhà trường.

Quá trình thực tập sẽ được phân chia thành nhiều giai đoạn, trong đó đối với ngành ngân hàng đã được thiết kế mô hình ngân hàng ảo để sinh viên thao tác như đang làm việc trong ngân hàng. Tương tự như vậy, các ngành kế toán, tài chính cũng được thiết lập các dữ liệu về tài chính để sinh viên thực hành. Ngoài ra, thời gian tới trường sẽ thiết kế các mô hình thực tập đặc thù cho từng ngành để sinh viên nâng cao kỹ năng.

TS Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến - ĐH Mở TP.HCM, phân tích thêm: Nguyên lý đào tạo trực tuyến được thiết lập tương tác trên hệ thống, thay vì tiếp xúc với giáo viên.

Theo đó, yêu cầu hệ thống tương tác phải thân thiện, tường minh, khối lượng kiến thức dễ tương tác giữa giáo viên và người học. Trong quá trình học, người học được kiểm soát qua các phần thảo luận, các bài kiểm tra và vượt qua từng phần học được thiết kế mới được học phần tiếp theo.

Đồng thời, những sinh viên không tham gia vào quá trình học sẽ bị nhắc nhở trên hệ thống hoặc email. "Nhiều người boăn khoăn: Quá trình học mở như vậy, việc thi cuối kỳ sẽ không chất lượng. Bởi vậy bài thi cuối kỳ sẽ thi tập trung để đảm bảo khách quan, công bằng cho người học" - TS Thanh nói.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/dao-tao-truc-tuyen-lan-san-giao-duc-truyen-thong-749403.html