'Đào tạo thợ giỏi còn hơn cử nhân kém'

Nhiều người đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ nhưng không xin được việc, lại đi học nghề, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

Theo bản tin về thị trường lao động quý I/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhóm trình độ đại học trở lên có 124,5 nghìn người thất nghiệp. Trước đó, năm 2018, con số này lên đến hơn 200.000 cử nhân.

Các chuyên gia cho rằng để tránh lãng phí nguồn lực, thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay, ngành giáo dục phải phân luồng học sinh ngay sau bậc học THCS.

Sinh viên trong một giờ thực hành. Ảnh: UTE.

Sinh viên trong một giờ thực hành. Ảnh: UTE.

Cô Nguyễn Hoàng Thảo, giáo viên dạy nghề tại Hà Nam, cho biết vai trò quan trọng của đào tạo dạy nghề sẽ giúp nguồn lao động có kỹ năng, trình độ giỏi. Nguồn nhân lực này góp phần quan trọng trong thị trường lao động. Tùy thuộc năng lực, điều kiện gia đình, mỗi cá nhân sẽ lựa chọn học nghề hay học đại học. Việc làm thợ hay làm thầy cũng đều xét đến năng lực sau khi ra trường. Đào tạo thợ giỏi còn hơn cử nhân kém chất lượng, không được thị trường lao động chấp nhận.

Để đào tạo thợ giỏi, ông Đặng Văn Nghĩa, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần kết hợp giữa hình thành kỹ năng và phẩm chất học nghề cho học sinh bằng công việc thực hành, giúp các em rèn luyện tính cẩn thận, khéo léo trong công việc.

Cũng theo ông Nghĩa, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo nghề có văn bằng, chứng chỉ. Trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, năng lực xã hội của người học sau khi ra trường còn hạn chế, chưa theo kịp xu thế của thời đại.

Robot Mi A do nhóm sinh viên bộ môn Cơ điện tử, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chế tạo, có thể giao tiếp, phục vụ, dạy học, tư vấn tuyển sinh, chụp ảnh. Ảnh: Minh Nhật.

Đào tạo nghề cần chú trọng, phẩm chất nghề nghiệp trong môi trường làm việc ngày càng khắt khe. Các kỹ năng cần thiết là thích ứng, làm việc nhóm cùng thái độ lao động nghiêm túc...

Quá trình đào tạo cần chú trọng việc thực tập tại cơ sở sản xuất để sinh viên quen với môi trường làm việc. Nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ kể cả tăng mức thu nhập nhằm khuyến khích sinh viên có động lực thực tập đạt kết quả tốt.

Bà Wendy Cunningham, chuyên gia World Bank, khẳng định để đào tạo thợ giỏi, cần kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Quá trình đánh giá cần có số liệu cụ thể: Số học sinh tốt nghiệp, đã có việc làm sau một năm, đánh giá của doanh nghiệp về nhà trường.

Sinh viên phải có nhiều kỹ năng cần thiết với đào tạo nghề. Ảnh: Minh Nhật.

Ngoài ra, người học cần cập nhật thông tin về thị trường lao động. Ví dụ, bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2019 cho biết 2 ngành có số lao động tăng nhiều nhất cùng kỳ năm 2018 là công nghiệp chế biến, chế tạo và vận tải, kho bãi. Hai ngành có số lao động giảm nhiều nhất là nông lâm, thủy sản và giáo dục, đào tạo. Hai ngành có số lượng lao động giảm so với quý IV/2018 nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2018 là dịch vụ lưu trú, ăn uống và xây dựng.

Huỳnh Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dao-tao-tho-gioi-con-hon-cu-nhan-kem-post1005173.html