Đào tạo thạc sĩ phòng chống tham nhũng: Người dân cũng học

'Chúng tôi luôn xác định rằng, để có một chương trình đào tạo không phải là việc đơn giản, tất cả các bước đều phải được tuân thủ chặt chẽ'.

Đó là quan điểm của PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) trước những thông tin liên quan đến công tác đào tạo thạc sĩ “Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng” đang gây xôn xao dư luận.

Không cần dùng chương trình này để đánh bóng tên tuổi

Trước nhiều ý kiến cho rằng chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng của trường ĐH QGHN có vẻ là để phô trương, tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, bà Quế Anh cho rằng với thương hiệu của trường, cùng với vị thế của Khoa Luật hiện nay thì không cần dùng chương trình này để đánh bóng tên tuổi.

Ở đây là sự thể hiện trách nhiệm xã hội đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng đang rốt ráo. Những người không làm được thì cũng không nên cản trở hay làm mờ đi những nỗ lực của trường.

Về kinh phí đào tạo đối với chương trình này được áp dụng như các chương trình khác, sẽ áp dụng theo quy định của Nhà nước và của ĐHQGHN.

Cũng theo bà Quế Anh, công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay đang sôi động như vậy, thì chúng tôi cũng phải cố gắng góp công sức của mình.

PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh- Chủ nhiệm khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh Nhà đầu tư

Việc tiên phong thực hiện đào tạo thạc sĩ về Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng là một cách để trường thể hiện trách nhiệm đối với xã hội.

Chương trình có diện tuyển sinh được mở rộng

Sau khi công bố chương trình đào tạo, theo bà Quế Anh, hiện nay Khoa Luật đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, của các cơ quan trung ương, các đơn vị truyền thông lớn, và đặc biệt là sự quan tâm của nhiều người có nhu cầu theo học.

Một phần bởi đây là chương trình có diện tuyển sinh được mở rộng nhất, gồm những người có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc tốt nghiệp các ngành liên quan mật thiết đến quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng (đã được công khai trên trang điện tử law.vnu.edu.vn).

"Ở đây chúng tôi không phân biệt quan chức hay người dân đi học, khi tham gia học chương trình này thì phải đáp ứng chuẩn đầu vào, bao gồm chuẩn ngoại ngữ…

Chúng tôi chú trọng nhiều đến việc đào tạo kĩ năng nhận diện những mặt còn hạn chế trong quản trị nhà nước để phòng, chống tham nhũng.

Cho nên, nếu những người đang giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước theo học họ sẽ có nhận thức tốt hơn về cách thức hành xử trong công tác quản lí điều hành, khi có quyền lực trong tay để tuân thủ pháp luật và phục lợi ích chung cho cộng đồng, biết được các phương pháp xử lí và thu hồi hiệu quả tài sản có được do tham nhũng.

Những người đang không nắm giữ chức vụ gì có thể qua chương trình này để có khả năng nhận diện được các vấn đề pháp lí liên quan đến tham nhũng", bà Quế Anh cho biết thêm.

Trong quá trình triển khai đào tạo thì trường phải tham vấn rất nhiều cơ quan.

Bà chia sẻ: "Điều đáng mừng là chúng tôi đã kết nối và nhận được sự đồng thuận hỗ trợ từ Thanh tra Chính phủ. Khoa cũng sẽ phối kết hợp với các cơ quan có chức năng, có kinh nghiệm, có nguồn lực để thực hiện hiệu quả một chương trình đào tạo tiềm năng như vậy".

Không thể dạy kiểu hàn lâm

Trước đó, chia sẻ với trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội băn khoăn: "Tôi không biết tại sao lại có chương trình đào tạo thạc sĩ về phòng, chống tham nhũng. Đào tạo để làm gì? Họ sẽ giữ vị trí gì? Vị trí tham mưu, đề xuất hay thế nào?".

PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cũng cho biết ông chưa rõ chương trình này sẽ dạy những gì.

"Nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý. Không ai dạy được một người mà rồi người ấy có thể cầm cân nảy mực, chống được tham nhũng. Nếu thế thì nên dạy cho cả bộ máy còn hơn", ông Sớn nói.

Và theo ông phòng, chống tham nhũng thì phải dạy kiểu khác, chứ không phải dạy theo kiểu hàn lâm thế này.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Lưu Bình Nhưỡng - Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội nêu vấn đề, bất cứ cơ quan nào tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng đều đáng khuyến khích. Nhưng mở chương trình đào tạo Thạc sĩ phòng chống tham nhũng thì “có vẻ là mượn cái lạ để phô trương”.

Ông lý giải, nội dung đào tạo phòng chống tham nhũng đã được đưa vào chương trình giáo dục công dân ở cấp phổ thông với nội dung giảng dạy về đạo đức, lối sống, pháp luật.

“Do vậy, nên có các chuyên đề, chứ không cần thiết phải có chương trình đào tạo riêng về Thạc sĩ phòng chống tham nhũng. Những ai học ngành Luật đều sẽ hiểu tội phạm tham nhũng là thế nào, hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật biểu hiện ra sao”, ông Nhưỡng chia sẻ.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/dao-tao-thac-si-phong-chong-tham-nhung-nguoi-dan-cung-hoc-3364134/