Đào tạo, tập huấn cán bộ các trường cao đẳng nghề khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 3/8, trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho cán bộ phụ trách công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp khu vực miền Bắc.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Đại tá, Tiến sĩ Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng khẳng định: giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là địa chỉ cung ứng nhân lực lao động qua đào tạo cho thị trường lao động. Chất lượng của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả lực lượng lao động quốc gia, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống xã hội.

Tiến sĩ, Đại tá Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng khẳng định: giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước

Tiến sĩ, Đại tá Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng khẳng định: giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước

Tham dự lớp tập huấn có hơn 150 học viên là cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp khu vực miền Bắc.

Các học viên đã được bồi dưỡng những vấn đề chung về tư vấn hướng nghiệp; vấn đề chọn nghề; quy trình, kỹ năng, kỹ thuật tư vấn hướng nghiệp; tổng quan chương trình bồi dưỡng kỹ năng mềm; kỹ năng tổ chức công việc và quản lý thời gian hiệu quả; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng làm việc hiệu quả trong môi trường án lực.

Cũng trong thời gian bồi dưỡng, các học viên được chia nhóm để tổ chức trao đổi, thảo luận và trình bày các vấn đề về công tác tư vấn hướng nghiệp, cách thức giảng dạy kỹ năng mềm và tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh, sinh viên. Qua đó tạo điều kiện cho các học viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và nâng cao thêm trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Trường Cao đẳng nghề số 1 – Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ mới giảng dạy

Vùng trung du, miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong những năm qua Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với khu vực này. Do đó, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề trong vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Là một trong các trường đào tạo nghề nổi tiếng trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (ĐH Thái Nguyên) trong những năm qua mặc dù đứng trước những khó khăn thách thức chung hệ thống các trường cao đẳng trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên để thu hút học sinh, sinh viên, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật định hướng đào tạo phát triển hướng mở, đào tạo gắn với thực tiễn, vừa học vừa thực hành, thạo nghề để hành nghề, đào tạo nghề theo hướng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ vào vận hành, đào tạo tại nhà trường…

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (ĐH Thái Nguyên) hướng đến đào tạo nghề công nghệ cao gắn với nhu cầu thực tế

Theo báo cáo về công tác đào tạo nghề trong vùng của Bộ LĐ-TB&XH, mạng lưới cơ sở dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc bộ hiện đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng cơ sở đào tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn vùng có 451 cơ sở tham gia dạy nghề, trong đó 249 cơ sở dạy nghề (tăng 61 cơ sở so với năm 2012) gồm 22 trường cao đẳng nghề (tăng 8 trường); 32 trường trung cấp nghề, trong đó có 6 trường trung cấp nghề dân tộc nội trú tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An (tăng 13 trường); 195 trung tâm dạy nghề (tăng 40 trung tâm) và 202 cơ sở khác (trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm giáo dục thường xuyên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX...) tham gia hoạt động dạy nghề; 100% đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, hiện có 74 cơ sở dạy nghề ngoài công lập và 202 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề trong vùng, chiếm 60% tổng số cơ sở tham gia dạy nghề trong vùng.

Nguyễn Liên

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/dao-tao-tap-huan-can-bo-cac-truong-cao-dang-nghe-khu-vuc-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-51694.html