Đào tạo tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao

VH- Sáng 15.8, tại Đà Nẵng, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Đề án 'Tuyển chọn, đào tạo tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035'. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì và chỉ đạo Hội thảo.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội thảo

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Trong những năm qua, thể thao thành tích cao Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đạt được một số thành tựu đáng kể trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Việc đầu tư mang tính tập trung ở một số môn, ở một số vận động viên tài năng trẻ xuất sắc, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có những thứ hạng cao, lập thành tích mang tính đột phá tại các đại hội SEA Games, Asian Games, Olympic Games ở các môn bơi lội, điền kinh, bóng đá nam… “Dù đạt được những thành tích nhất định, tuy nhiên, trong những năm qua, năng lực của một số huấn luyện viên các môn thể thao thành tích cao trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được đào tạo bài bản, vì vậy kết quả đạt được của công tác huấn luyện, thành tích của vận động viên chưa cao…”, Thứ trưởng cũng chỉ ra thực tế.

Đề án “Tuyển chọn, đào tạo tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm đạt mục tiêu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) có năng khiếu vượt trội để nâng cao thành tích thi đấu của các VĐV trên đấu trường trong nước và quốc tế, đồng thời tuyển chọn các huấn luyện viên (HLV) có trình độ chuyên môn giỏi, chất lượng cao. Trong đó phấn đấu đến năm 2035 tuyển chọn và đào tạo khoảng 2.400 VĐV; 384 HLV tài năng của 16 môn thể thao được xác định. Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo ít nhất được 260 cử nhân, 150 thạc sĩ, 70 tiến sĩ và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 250 cán bộ trong lĩnh vực thể thao…

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp, hoàn thiện đề án theo 6 nội dung chính: Mục tiêu cụ thể từ 2019 - 2035; đối tượng và được đào tạo, huấn luyện của đề án; tập huấn, bồi dưỡng và thống nhất số lượng các môn, ngành đào tạo, huấn luyện; tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng; kinh phí thực hiện đề án; lộ trình triển khai đề án. Ý kiến tập trung vào việc cụ thể hóa mục tiêu đưa ra, cách thức đào tạo sao cho phù hợp với thực tế. Các môn được đào tạo có 16 môn trọng điểm, tập trung vào các môn Olympic, với tầm nhìn đến năm 2035 đề án có nên mở rộng các bộ môn không. Đồng thời nên có giải pháp tiếp theo để tạo sự chủ động cho lực lượng kế tiếp, bởi vì sau năm 2020 có thể có sự thay đổi trong lựa chọn bộ môn đào tạo…

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Bích Liên đã chỉ đạo các ban, ngành phải nhanh chóng chỉ đạo hoàn thiện đề án điều hành, cơ sở pháp lý, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, nội dung nhiệm vụ cần làm, giải pháp… để trình Chính phủ sớm nhất.

Ngọc Hà

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/th%E1%BB%83-thao/dao-tao-tai-nang-trong-linh-vuc-the-thao-thanh-tich-cao