Đào tạo sư phạm: Chất lượng hơn số lượng

GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng mùa tuyển sinh năm nay, đáng mừng khi ngành sư phạm không còn cảnh 9 điểm 3 môn cũng đỗ. Những trường hợp riêng như ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) không tuyển đủ chỉ tiêu 4 ngành sư phạm chất lượng cao dù có cam kết bố trí việc làm sau khi ra trường hay Trường CĐ Sư phạm Gia Lai nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh điểm cao phản ánh thực trạng hiện nay là ít thí sinh giỏi mặn mà với nghề giáo.

Trên giảng đường. Ảnh: Hoàng Anh.

Quan tâm thích đáng đến giáo dục đại trà

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, sự khó tuyển sinh của ngành sư phạm năm nay chưa hẳn đã là đáng buồn khi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành sư phạm là 15 điểm đối với CĐ, 17 điểm đối với trường ĐH là mức khá cao so với mặt bằng điểm thi. Không lấy số lượng mà chọn chất lượng là điều xã hội kỳ vọng vào đội ngũ sinh viên sư phạm hôm nay, mai này sẽ là thầy cô giáo đứng trên bục giảng. Thầy nào trò nấy. Thầy giỏi mới sinh ra trò giỏi, thầy tốt mới có trò tốt- đây chính là đáp án của bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

“Năm sau 2019 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới. Tôi rất lo lắng không biết các trường đào tạo sư phạm đã chuẩn bị như thế nào trong việc giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng nhu cầu đổi mới? Và chỉ trong vòng 5 năm tới là triển khai xong chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12. Đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên cả nước đã chuyển động chưa và chuyển động ra sao?”- GS Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi.

Về câu chuyện “đặt hàng” của tỉnh Thanh Hóa đối với ĐH Hồng Đức về lớp sinh viên chất lượng cao sẽ ưu tiên bố trí việc làm cho thấy chính sách trọng dụng nhân tài đã được phát huy. Bài toán biên chế ngành sư phạm vốn là cánh cửa hẹp cho sinh viên mới ra trường nay mở rộng cửa với lớp sinh viên chất lượng cao nếu tốt nghiệp từ loại khá trở lên. Nhưng không phải học sinh giỏi nào cũng mặn mà. Bằng chứng là hiện lớp Toán của trường chỉ tuyển được 1 học sinh, lớp Sử có 11 học sinh, lớp Văn có 9 học sinh. Riêng lớp Lý không có học sinh nào trúng tuyển.

Phía nhà trường khẳng định dù lớp chỉ 1 sinh viên vẫn dạy. GS Phạm Minh Hạc cho rằng, nhà trường cần cân nhắc cách làm ra sao để tránh lãng phí khi việc đào tạo 1 thầy – 1 trò có nhiều rủi ro như nếu sinh viên bỏ cuộc giữa chừng, không có bạn học cùng sẽ thiếu tính cạnh tranh, học hỏi lẫn nhau, sẽ khó đạt kết quả như kỳ vọng… Về phía nhà trường đó là lãng phí cơ sở vật chất trường lớp và lương trả cho giảng viên… Thu không bù chi, sẽ lấy gì để bù đắp?

Nhìn vào thực tế Thanh Hóa là tỉnh đông dân với khoảng 3,5 triệu người thì đề án đào tạo chất lượng cao dù đáng mừng, cần được khuyến khích nhưng quan trọng hơn là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đại trà. Bởi muốn nâng chất lượng giáo dục thì không thể phụ thuộc vào vài chục con người mà phải là toàn bộ đội ngũ giáo viên.

Tất nhiên, về chủ trương vẫn cần hoan nghênh nhà trường đã mạnh dạn làm để tạo tiền đề thu hút các thí sinh giỏi đầu quân vào sư phạm. Ban đầu có thể khó khăn nhưng chắc chắn nếu làm được sẽ là cú hích tiên phong cho các trường khác khi hướng đến mục tiêu đào tạo chất lượng, không chạy theo số lượng.

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm: Yêu cầu từ thực tiễn

GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ: Cũng là 1 sinh viên/lớp nếu Trường CĐ Sư phạm Gia Lai chấp nhận thí sinh đạt 22,5 điểm đỗ vào trường. Nhưng gánh nặng chi phí, cân nhắc các điều kiện về tâm lý học sinh, giảng viên… đã khiến nhà trường dù rất tiếc nuổi nhưng buộc phải nâng điểm chuẩn để đánh trượt sinh viên. Hai câu chuyện, hai cách xử lý khác nhau của hai trường. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng dù chúng ta luôn nói nghề giáo là một nghề cao quý nhưng trên thực tế, điều ấy đã được thực thi chưa khi vừa qua, hàng trăm giáo viên hợp đồng ở nhiều nơi bị đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động, có nguy cơ bị mất việc? Trong số đó có những giáo viên đã từng đi dạy ở miền núi với vô vàn khó khăn, thách thức?

Ngành sư phạm là một ngành đào tạo nghề-nghề giáo. Đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Cần cân nhắc cách làm ra sao để tránh đào tạo ra những cử nhân thất nghiệp, nhất là thất nghiệp không phải vì các em yếu kém mà là do các môn này đang thừa giáo viên.

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thống kê thừa thiếu giáo viên từng bộ môn ở từng trường, từng cấp học, từng địa phương Bộ GDĐT đang làm và cần tiếp tục làm để đưa ra dự báo chính xác nhất. Từ đó để các trường chủ động kế hoạch đào tạo sinh viên trong các năm tiếp theo. Không thể để sinh viên chất lượng cao với xuất phát điểm đầu vào cao, kết quả học tập và rèn luyện trong 4 năm ĐH khá giỏi mà vẫn phải chật vật tìm việc nhiều năm liền thì sẽ khó thu hút được thí sinh giỏi đầu quân vào sư phạm.

3 yếu tố khiến thí sinh giỏi ít mặn mà với ngành sư phạm

Theo GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 3 yếu tố đó là: Việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến.

GS Minh kiến nghị Bộ GDĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ công tác quy hoạch các trường sư phạm. Bộ GDĐT cần đề xuất với Chính phủ vì một mình Bộ GDĐT không làm được. Cần có sự triển khai thống nhất giữa Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ khi sắp xếp lại biên chế các đơn vị sau quy hoạch. Bộ Tài chính cần có chiến lược đầu tư cụ thể để tạo ra các phân khúc đột phá trong phát triển đào tạo sư phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông cần định hướng dư luận để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/dao-tao-su-pham-chat-luong-hon-so-luong-tintuc413589