Đào tạo sau đại học: Kỷ cương bị thả lỏng

Đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các cơ sở đào tạo ở nước ta trong thời gian qua đang bị dư luận nghi ngờ về hiệu quả và chất lượng. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là kỷ cương dường như đang bị thả lỏng.

Bài 1: Hồ sơ mở ngành và việc tuyển sinh nhiều gian lận

 Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Cùng với quá trình tư nhân hóa đại học (ĐH), cho phép ĐH công lập tự chủ, mục tiêu hoạt động phi lợi nhuận của các cơ sở đào tạo dường như không còn ý nghĩa. Giờ đây, mục tiêu của ĐH tư là lợi nhuận, của công lập là tìm kiếm nguồn thu để trang trải đủ chi phí.

Do vậy, DN hóa các cơ sở đào tạo ĐH và sau ĐH đang là tất yếu. Chỉ có điều khác biệt, DN sản xuất cung cấp sản phẩm tồi, người mua không chấp nhận; còn người mua sản phẩm bằng cấp sau ĐH thường dễ tính, miễn sao dễ mua.

Đua nhau mở ngành vì lợi nhuận
Đào tạo sau ĐH tạo ra kênh thu nhập có tỷ suất lợi nhuận cao cho các cơ sở đào tạo. Theo một tiến sĩ (xin giấu tên) đang phụ trách phòng đào tạo sau ĐH của một ĐH tư thục thì nếu mở một lớp cao học có số lượng khoảng 10 học viên là thu đã đủ bù chi, phần vượt là trường được hưởng. Như vậy, nếu tuyển được số lượng từ 40 – 50 học viên cho mỗi lớp, lợi nhuận đào tạo đạt từ 300 - 400%. Trên thực tế, sĩ số học viên của một lớp cao học tại một số cơ sở đào tạo có thể lên tới 60 - 70 học viên. Đó là chưa kể có trường dùng “chiêu” ghép lớp đến cả trăm học viên khi học chuyên đề chung, nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, mức độ tỷ suất lợi nhuận này giữa các cơ sở đào tạo có sự khác biệt nhất định, tùy vào mức thu học phí và trường công hay trường tư. Do lợi nhuận cao nên các cơ sở đào tạo tìm mọi cách để mở ngành và tăng quy mô đào tạo sau ĐH, bất chấp khó khăn về đáp ứng điều kiện đào tạo.
Mở ngành đang có nhiều gian lận
Một trong những điều kiện mở ngành ở cấp thạc sĩ, theo Thông tư số 38/2010/TT-BGDDT có hiệu lực từ ngày 7/2/2010 là cơ sở đào tạo phải có ít nhất 5 tiến sĩ (TS) là giảng viên cơ hữu cùng ngành đề nghị cho phép đào tạo, trong đó có ít nhất 3 người cùng chuyên ngành. Theo Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/5/2017, điều kiện này là cơ sở đào tạo phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có chức danh GS, PGS, có bằng TSKH, TS ngành đúng hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó phải có ít nhất một GS hoặc PGS đúng ngành chịu trách nhiệm chủ trì. Nếu chiếu vào quy định đó có thể khẳng định, đa số các trường thuộc top dưới xin phép mở ngành đào tạo thạc sĩ từ năm 2010 tới nay là không thể đáp ứng. Tuy vậy, các trường đều làm xong hồ sơ mở ngành và “lọt” qua được cửa ải Bộ GD&ĐT. Đó là kỳ diệu của sự gian lận.
Để có đủ 5 giảng viên cơ hữu đáp ứng tiêu chuẩn, cơ sở xin mở ngành đã dùng mọi thủ đoạn tạo ra một danh sách “ma” để qua mặt Bộ GD&ĐT. Danh sách này thường được “thuê” từ các TS đang là giảng viên cơ hữu của trường ĐH khác, đứng tên 2 trường. Chẳng hạn, trường ĐH Thủ Dầu Một, được thành lập năm 2009 (sau khi nâng cấp từ trường Cao đẳng Sư phạm cùng tên) và được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo thạc sĩ từ tháng 8/2015, trong đó có ngành quản trị kinh doanh (QTKD), ngành kế toán. Tại thời điểm cho phép, ngành QTKD duy nhất chỉ có một giảng viên cơ hữu được cho là có bằng TS đào tạo ở nước ngoài (Ba Lan). Song không hiểu bằng TS chưa được Bộ GD&ĐT kiểm định hay lý do nào khác mà vị này không tham gia giảng lớp nào trong 4 khóa thạc sĩ ngành QTKD mà trường đã mở. Cuối năm 2016, nghĩa là sau một năm mở ngành, ngành QTKD của ĐH Thủ Dầu Một mới bổ sung được một giảng viên cơ hữu có bằng TS được thuyên chuyển từ một trường ĐH công lập khác. Đối với thạc sĩ ngành kế toán, việc mở ngành này còn tệ hơn đối với ngành QTKD, từ thời điểm cho phép đào tạo đến nay không hề có một giảng viên cơ hữu là TS giảng dạy tại đây.

Khám chữa răng tại bệnh viện Đa khoa Dệt may. Ảnh: Thanh Hải

Cũng cần nói thêm, theo giới thiệu của ĐH Thủ Dầu Một trên trang mạng của trường này, số liệu cập nhật đến tháng 7/2018, trường hiện có 1 GS, 16 PGS và 97 TS. Thực tế trong số đó có nhiều người không thuộc biên chế và có tên trên bảng lương của trường, một số vị đã được trường mượn danh ghi tên xin mở ngành đào tạo thạc sĩ và tính chỉ tiêu đào tạo ĐH.
Những thông tin trên cho thấy, việc mở ngành đào tạo thạc sĩ ngành QTKD và ngành kế toán của ĐH Thủ Dầu Một thể hiện sự gian lận, coi thường quy định của Bộ GD&ĐT. Vấn đề đặt ra ở đây, còn nhiều ĐH khác có vi phạm tương tự, liệu Bộ GD&ĐT bị lừa, hay thả lỏng quản lý? Cũng tại Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT và Thông tư 09/2017/TT- BGDĐT nói trên, quy định sẽ thu hồi quyết định mở ngành đào tạo thạc sĩ, TS khi cơ sở đào tạo có hành vi gian lận để được mở ngành đào tạo. Nhưng không phát hiện cơ sở đào tạo xin phép lập hồ sơ gian lận, không thanh tra phát hiện trong suốt thời gian tổ chức đào tạo 4 khóa cao học tại ĐH Thủ Dầu Một, Bộ GD&ĐT có vô tư thả lỏng?
Đầu vào có vấn đề!
Ngày nay, thi vào ĐH top dưới là đã quá dễ, thi vào thạc sĩ các ngành kinh tế, xã hội và nhân văn lại càng dễ hơn. Trong giới giảng viên ĐH khối này có người nói một cách mỉa mai: “Thi cao học, một trăm em thi, một trăm lẻ một em đỗ”. Điều này không đúng hoàn toàn với các ĐH top trên nhưng chắc chắn tuyệt đối với các trường ĐH top dưới, vì đó là túi cơm quan trọng của họ. Chẳng hạn, theo thông báo công khai trên mạng của ĐH Thủ Dầu Một, số thí sinh đủ điều kiện dự thi cao học khóa 5/2018 là 212 thí sinh, nhưng kết quả tuyển sinh thạc sĩ khóa này là 215 học viên, trội 3 người không có giải thích.
Đối với đào tạo TS, trước đây điều kiện tuyển nghiên cứu sinh (NCS) tương đối dễ, ngoài đối tượng giảng viên ĐH và nghiên cứu viên dự tuyển, còn đông đảo chuyên viên, cán bộ quản lý Nhà nước và lãnh đạo DN dự tuyển. Vì vậy, chúng ta chẳng giống ai, lãnh đạo các vụ, viện, bộ, ngành, chính quyền và tổng công ty Nhà nước có nhiều TS đến thế. Thời gian gần đây, điều kiện làm NCS đã khó hơn nhiều, theo xu hướng của thế giới, nên số lượng dự tuyển bị co hẹp dần cả về quy mô và cơ cấu đối tượng. Số lượng người dự tuyển NCS chiếm tỷ trọng chủ yếu là giảng viên ĐH và nghiên cứu viên khoa học. Tuy vậy, điều này không có nghĩa chất lượng đầu vào trong đào tạo TS sẽ chắc chắn tốt hơn.
Thời gian qua, không chỉ bùng lên vụ “lò ấp tiến sĩ”, mà theo một số giảng viên ĐH đang đeo đuổi NCS, để được công nhận là NCS tại một cơ sở đào tạo là hết sức gian nan. Giờ đây kiến thức chuyên môn chưa phải quan trọng, mà quan trọng hơn là người dự tuyển NCS cần có sự đỡ đầu của một GS, PGS hoặc TS thuộc phe mạnh của cơ sở đào tạo đó để bảo vệ thành công đề cương chuyên đề đăng ký nghiên cứu. Bên cạnh đó, người dự tuyển cần có sự chuẩn bị nguồn tài chính nhất định để xử lý các quan hệ được cho là nhạy cảm và tế nhị.
(Còn nữa)

Cao Văn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dao-tao-sau-dai-hoc-ky-cuong-bi-tha-long-330650.html