Đào tạo nhân lực: Yêu cầu cấp thiết

Để công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực chất lượng cao, song hiện nay nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này vẫn đang thiếu hụt cả về chất và lượng.

Chưa đáp ứng yêu cầu

CNHT từ trước đến nay được coi là ngành "phụ trợ" nhưng thực chất rất quan trọng, bởi "phụ" của ngành này lại là "chính" của ngành khác với vai trò là "đầu vào" của sản xuất. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển nếu không có ngành CNHT phát triển. Vì đây là yếu tố quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trên cơ sở thực hành tại doanh nghiệp, sinh viên ra trường sẽ không phải đào tạo lại

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có lực lượng lao động dồi dào, cần cù, nhưng nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam lại quá ít. Đặc biệt, lao động có tay nghề trong lĩnh vực CNHT còn rất yếu so với các nước liền kề như Thái Lan, Trung Quốc...

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều sinh viên có bằng giỏi nhưng đó là kiến thức "hàn lâm", còn thiếu thực hành nên sau khi tốt nghiệp xong vào làm việc thì doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đầu tư vào nguồn nhân lực là yếu tố phát triển bền vững không chỉ của ngành CNHT mà còn của các ngành khác. Để giải được bài toán này phải có sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Nâng chất nguồn nhân lực CNHT

TS. Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho rằng: CNHT có tuổi thọ ngắn, công nghệ thay đổi liên tục nên doanh nghiệp cần gắn kết với nhà trường để tạo điều kiện phát triển. Như vậy, sinh viên được tiếp cận với dây chuyền công nghệ mới của doanh nghiệp, trên cơ sở thực hành của học sinh tại doanh nghiệp, sau này doanh nghiệp có thể lựa chọn được những sinh viên có trình độ phù hợp vào làm việc, không cần phải đào tạo lại.

Đại diện lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu giải pháp, đào tạo nhân lực cho CNHT là đào tạo cho công nghệ ứng dụng. Do đó, cơ sở đào tạo rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Dưới góc độ doanh nghiệp hiến kế, các trường đào tạo cần tiến hành khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm. Phía các doanh nghiệp CNHT hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên… có như vậy nhân lực cho CNHT mới thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam đã ký Biên bản thỏa thuận về Dự án Hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong đó có Samsung. Đây là chương trình đào tạo rất bài bản, thiết thực có ý nghĩa quan trọng đối với các tư vấn viên và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gắn liền với thực tế và hiện trạng của các doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNHT Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Công Thương xác định, nhân lực trình độ cao giữ vai trò then chốt phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, bộ đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có ngành CNHT.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dao-tao-nhan-luc-yeu-cau-cap-thiet-134087.html