Đào tạo nhân lực y tế: Vì sao không công nhận trình độ tương đương?

Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa đưa ra ý kiến trước việc đại diện Bộ Y tế cho rằng Dự thảo chưa đề cập đến đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng của luật là về trình độ và văn bằng giáo dục ĐH.

Bác sĩ là chức danh nghề nghiệp

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, thành viên ban soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho hay: trong hệ thống GD ĐH chỉ có 3 trình độ đào tạo gồm: Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Bác sĩ, Luật sư, nghệ sĩ… là chức danh nghề nghiệp do hội nghề nghiệp công nhận, cấp chứng chỉ, không phải là bằng công nhận đã tốt nghiệp một trình độ đào tạo.

Tương tự, trong đào tạo y khoa, các chức danh, ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 là một chứng chỉ nghề nghiệp mà những người tốt nghiệp ĐH Y phải học để đủ điều kiện hành nghề. Do vậy, nếu quy định về văn bằng tương đương ở điều 38 trong Dự thảo Luật ĐH sẽ dẫn đến việc xây dựng chương trình định hướng nghề nghiệp bị sai lệch theo chuẩn ThS. TS. Nếu quy định trình độ tương đương giữa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 sẽ không minh bạch và không kiểm soát được chất lượng, trình độ, văn bằng.

“Quan điểm của bộ GD vẫn tuân thủ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là bằng tương đương nhưng trình độ nào phải định danh trình độ đó. Bác sĩ CK1, 2 là những chứng chỉ nghề nghiệp thuộc hệ thực hành trong bệnh viện. Thạc sĩ, Tiến sĩ là hệ hàn lâm để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các ĐH và học viện” – bà Phụng nói.

Còn PGS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng khẳng định trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần này quy định 3 cấp độ bằng đại học là Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Nhiều đại biểu QH băn khoăn, cho rằng các chương trình đào tạo đặc thù bị bỏ quên. Quả thực, chúng ta cũng thấy có rất nhiều chương trình đặc thù của ngành, không chỉ y tế mà cả văn hóa - nghệ thuật cũng có bằng đặc thù, quân đội cũng có bằng đặc thù...

Nếu cứ ngành nào đặc thù chúng ta lại liệt kê ra thì trong Luật này chúng ta phải liệt kê hàng trăm văn bằng. Khi có hàng trăm văn bằng như thế, xã hội không hiểu được bằng này tương đương với cái gì, chính điều đó có thể tạo ra một sự gây rối, hỗn loạn hơn cho xã hội.

Do đó, cần xác định văn bằng này tương đương với trình độ Thạc sĩ hay Tiến sĩ thì dựa vào khung đó để xác định. Có nghĩa là trong tương lai cấp bao nhiêu bằng cũng được, tùy trong ngành đặc thù sử dụng tên theo ngành đó. Khi cần đặt ra một phạm vi xã hội, người ta sẽ công nhận giá trị tương đương. Phương án này sẽ giải quyết được cả vấn đề tạo ra được đánh giá chung về cấp độ đào tạo xã hội, đồng thời đáp ứng được yêu cầu đào tạo đặc thù của từng ngành.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dao-tao-nhan-luc-y-te-vi-sao-khong-cong-nhan-trinh-do-tuong-duong-1346393.tpo