Đào tạo nhân lực thiết thực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) được tỉnh Hà Tĩnh xác định đặc biệt quan trọng, nhằm phục vụ hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Thời gian qua, phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Tĩnh đạt kết quả khá toàn diện, trên tất cả lĩnh vực. Bình quân tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 của Hà Tĩnh ở lĩnh vực nông nghiệp đạt 6,6% năm, gấp hơn hai lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt (từ 59,2% xuống còn 46,8%), giá trị các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực từ 46% tăng lên 68,5% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Hà Tĩnh cũng đã xây dựng mới hơn 14.000 mô hình sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo sản xuất theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm; thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP Hà Tĩnh)”; xây dựng đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp…

Những kết quả đó là nhờ Hà Tĩnh đã chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Từ đề án đào tạo nghề cho LĐNT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2012-2016, Hà Tĩnh đã đào tạo được 16.373 người, với kinh phí đào tạo hơn 28,9 tỷ đồng; kế hoạch giai đoạn 2017-2020 đào tạo 18.750 người. Như vậy, đến năm 2020 việc đào tạo nghề nông nghiệp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu LĐNT của tỉnh.

Mô hình nuôi lợn liên kết tại HTX Thu Hằng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: CTV

Về huyện Nghi Xuân, một trong hai huyện được tỉnh Hà Tĩnh chọn xây dựng “huyện NTM”, ông Trần Văn Trình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chia sẻ: “Nghi Xuân có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đất đai ít, hầu hết là cát trắng bạc màu, không chủ động được nước tưới, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM chưa có mô hình cụ thể, nên huyện vừa triển khai, vừa nghiên cứu, học hỏi để từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của huyện... Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM. Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 61,71%; tỷ lệ lao động có việc làm là 47.442/48.365 người, đạt 98,9%. Nguồn nhân lực đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM theo kế hoạch”.

Bên cạnh đào tạo nghề cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, tỉnh Hà Tĩnh còn chủ động triển khai đề án theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế”. Việc đào tạo tập trung vào những nghề tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực theo định hướng, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế, như lợn, bò, hươu, tôm, rau củ quả, cam, bưởi; khai thác lợi thế so sánh theo ba vùng sinh thái; gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng NTM ở cấp xã; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo được các mô hình sản xuất hiệu quả sau đào tạo.

Xác định đối tượng đào tạo là những người thực sự có nhu cầu, theo ông Nguyễn Văn Học, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, cùng với hệ thống các trường đào tạo nghề của tỉnh, nhà trường triển khai thực hiện tốt đề án về dạy nghề cho LĐNT. Ngoài đào tạo theo chỉ tiêu, đào tạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhà trường phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố... đào tạo nghề theo địa chỉ, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Năm 2017, trường đã đào tạo 7 lớp cho các huyện, tập trung chủ yếu vào các nghề chăn nuôi, thú y, trồng cây ăn quả có múi... Đến nay, trên địa bàn huyện đã có những mô hình thiết thực, hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Để tiếp tục cung cấp nguồn nhân lực cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng sư phạm kỹ thuật mở các lớp đào tạo; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao, trung tâm khuyến nông-công-lâm-ngư nghiệp và nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho LĐNT.

LÊ ANH TẦN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dao-tao-nhan-luc-thiet-thuc-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-530026