Đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin: Áp dụng làm trước, học sau

Theo thống kê, có tới 80% lao động ngành công nghệ thông tin (ICT) phải đào tạo lại khi vào làm việc tại doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi phải đổi mới công tác đào tạo nhân lực ICT.

Dự kiến, số nhân lực ICT thiếu hụt sẽ vào khoảng 500.000 lao động năm 2020.

Dự kiến, số nhân lực ICT thiếu hụt sẽ vào khoảng 500.000 lao động năm 2020.

Chất lượng thấp, nhưng vẫn thiếu

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến năm 2018, tổng doanh thu ngành ICT của Việt Nam đạt 98,9 tỷ USD. Trong đó, riêng doanh thu của công nghệ phần mềm đã chiếm tới 4,3 tỷ USD, xuất khẩu phần mềm đạt 3,5 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng lên tới 13,8%.

Tại Tọa đàm mới đây về Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắc tới ngành ICT như là nhân tố đầu tàu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045.

“Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Quốc gia nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt bài toán của quốc gia mình, của nhân loại, sẽ là nước chiến thắng trong cạnh tranh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, con số đưa ra tại tọa đàm về 72% lao động thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lao động mới vào phải đào tạo lại của ngành này khiến cả doanh nghiệp, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước phải giật mình.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Nếu vẫn duy trì tình trạng chất lượng đào tạo như hiện nay, chúng ta mãi chỉ cung cấp nhân lực gia công, mà không thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển”.

Chất lượng thấp, nhưng vẫn thiếu nguồn cung. Theo thống kê, trong 4 năm qua, tốc độ tăng số doanh nghiệp phần mềm là 124%, nhu cầu nhân lực tăng khoảng 47%/năm, nhưng nguồn cung nhân lực chỉ tăng 8%/năm.

Đưa ra con số cụ thể hơn, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết, năm 2018, số nhân lực ngành này tại TP.HCM cần là 320.000, nhưng vẫn thiếu 75.000 lao động. Dự báo số lao động năm 2019 cần là 350.000 lao động và số lao động thiếu sẽ là 90.000 lao động, năm 2020, số lao động cần là 400.000 và con số thiếu hụt là 100.000 lao động.

Tính trên quy mô cả nước, dự kiến, số nhân lực ICT thiếu hụt sẽ vào khoảng 500.000 lao động vào năm 2020.

Tìm lời giải hợp tác

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: “Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp, nhưng liệu nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, bám doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa?”.

Ông cũng nhắc tới việc ngày càng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi 5-10% chi phí lương cho đào tạo. Nếu tính riêng Viettel, ứng với tỷ lệ này sẽ tương đương 500 - 1.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi ở các trường chất lượng đào tạo phải đáp ứng nhu cầu, sinh viên ra trường làm được việc ngay. Doanh nghiệp cũng cần có thông tin về xếp hạng trường đại học đến từ các tổ chức độc lập đánh giá chất lượng.

Đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ đào tạo của các trường đại học, cũng như giúp các trường có chuẩn đầu ra phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông FPT cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét đưa quy trình chuẩn đầu ra công nghệ thông tin của quốc tế áp dụng vào chương trình đào tạo như yêu cầu bắt buộc với các trường.

Với những sinh viên có chuẩn trình độ từ những tập đoàn lớn như Microsoft, Google… thì được miễn học những chứng chỉ tương tự, bên cạnh việc quy định về chuẩn tiếng Anh chuyên ngành.

Trước nhận định “nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý chờ đợi để lấy nhân lực, chưa có trách nhiệm hợp tác với các trường” của Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, đại diện một doanh nghiệp phản bác, doanh nghiệp sẽ không chấp nhận bỏ tiền để nhận lao động không đạt chất lượng. Nhà trường phải hiểu rõ cơ chế thị trường, cần kết nối với ai, đối tác nào là phù hợp nhất với sự chuyển đổi của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các cơ sở đào tạo nhân lực ICT cần thay đổi mô hình đào tạo. Thế giới đang áp dụng quy trình làm trước, học sau, học thông qua làm việc, 70 - 80% chương trình là tự học, mời doanh nhân, chuyên gia giảng dạy, khuyến khích tư duy phản biện, học cách tìm ra vấn đề là quan trọng.

Các phòng lab phải trở thành cơ sở chính của các trường, là nơi nghiên cứu môi trường ảo, môi trường mô phỏng. Tiếng Anh phải trở thành công cụ bắt buộc phải có của sinh viên…

Các trường phải chủ động đổi mới chương trình đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho rằng, các trường đã được giao tự chủ, do đó, phải chủ động đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành ICT để xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đến kết nối, tăng đào tạo thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm định chương trình đào tạo ICT phải được đặt lên hàng đầu. Các trường phải khuyến khích sinh viên, cũng như công nhận một số chương trình quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay thế các chương trình đào tạo hiện có và bù đắp sự thiếu hụt ngoại ngữ như phản ánh của doanh nghiệp.

Trần Hà

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghe-thong-tin-ap-dung-lam-truoc-hoc-sau-d98877.html