Đào tạo nhân lực giúp hợp tác xã bán hàng online

Nhu cầu mua sắm online tăng mạnh là cơ hội lớn để các hợp tác xã đẩy mạnh đưa sản phẩm lên kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc hiện nay là nhiều lao động trong các hợp tác xã chưa có kỹ năng bán hàng trên nền tảng số. Điều này đặt ra bài toán về hướng dẫn, đào tạo bán hàng trực tuyến cho người lao động trong khu vực này.

“Muốn xuất khẩu đơn hàng lớn thì phải ứng dụng công nghệ”, bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sơn mài Hạ Thái (Huyện Thường Tín, TP.Hà Nội), cho biết việc chuyển đổi số ở HTX còn gặp nhiều bất cập. Thành viên HTX phải mất nhiều thời gian để đăng tải sản phẩm và cập nhật thông tin. Trong khi HTX có nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin khác nhau. Bên cạnh đó, phải có người hiểu biết về công nghệ để tương tác với khách hàng thường xuyên thì mới có đơn.

Thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ số

Trong khi đó, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đánh giá thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Ước tính, có khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, có khoảng 10% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google...

Đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người lao động trong HTX.

Đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người lao động trong HTX.

Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, cho biết một rào cản trong chuyển đổi số ở HTX là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin. Các hoạt động của HTX cơ bản vẫn theo kinh nghiệm. Một số ít các HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, song chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính.

Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Tú, cho hay trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.

Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao... Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng bán hàng

Theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức độ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tăng trưởng khoảng 18%, năm 2021 tăng khoảng 15%-16% và đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của khu vực.

“Có thể nói thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ rất mạnh, cơ hội phát triển thị trường nông sản trên các sàn thương mại điện tử là rất lớn”- ông Minh nhận xét, đồng thời cho biết hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân, HTX cũng như sản phẩm của các vùng miền.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Bình Minh khẳng định, công việc cần tập trung trước mắt là đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử, đào tạo cho người nông dân và các doanh nghiệp để họ có thể ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2022, hiệp hội này đã kết nối tất cả mạng lưới trường đại học ở Việt Nam về đào tạo thương mại điện tử. Đến nay, có khoảng 40 trường đại học đang tham gia mạng lưới này.

“Điều này cho thấy thấy mạng lưới cung cấp nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng có chất lượng và bài bản, có sự gắn kết rất chặt chẽ”- ông Minh nhận xét.

Trong khi đó, TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để thu hút được khách hàng, nhất là khách online, các HTX cần được hỗ trợ đề đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử. Qua đó, giúp các thành viên HTX thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

“Việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị đang là thách thức không nhỏ đối với các làng nghề. Để thực hiện đồng bộ việc này, cần có sự hướng dẫn, đào tạo cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước để các làng nghề, các xã áp dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình số trong phát triển kinh tế bài bản, chủ động hơn nữa”, TS. Tôn Gia Hóa chia sẻ.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/dao-tao-nhan-luc-giup-hop-tac-xa-ban-hang-online-1089671.html