Đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch Hà Nội: Chú trọng cả số lượng và chất lượng

Một trong những chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về 'Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo' đã đề ra là nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp làm việc trong ngành Du lịch và dự kiến năm 2019 sẽ đạt 90%. Tại buổi làm việc với Sở Du lịch Hà Nội vào chiều 21-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận kết quả đạt được đồng thời yêu cầu, đã bảo đảm được số lượng thì chất lượng đào tạo cũng phải nâng lên...

Năm 2019, 90% nhân lực ngành Du lịch Thủ đô được đào tạo nghiệp vụ, kiến thức du lịch. Trong ảnh: Hướng dẫn viên du lịch thuyết minh cho du khách tại Hoàng thành Thăng Long.

90% lao động trực tiếp của ngành Du lịch đã được đào tạo

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2019, số lượng lao động trực tiếp ngành Du lịch Hà Nội khoảng 90.500 người, chiếm 11% lực lượng lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam. Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch và cán bộ quản lý du lịch được nâng lên qua các năm. Số lượng lao động trực tiếp đã qua đào tạo của năm 2016 đạt tỷ lệ 62%, ước năm 2019 đạt tỷ lệ 90%. Trong khi đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đặt mục tiêu 100% số lao động trực tiếp trong ngành Du lịch Thủ đô được đào tạo nghiệp vụ, kiến thức du lịch vào năm 2020.

Cách đây gần hai năm, tưởng như du lịch Hà Nội khó mà đạt được con số 90% nhân lực ngành Du lịch Thủ đô được đào tạo nghiệp vụ, kiến thức du lịch. Thế nhưng, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý du lịch từ thành phố đến quận, huyện, thị xã cũng như các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch đã góp phần tăng lượng nhân lực được đào tạo kiến thức về du lịch. Chỉ riêng Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín mở được 69 khóa học cho hơn 6.000 người, gồm: Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm đến, hướng dẫn viên du lịch, lái xe và người phục vụ trên xe ô tô chở khách du lịch theo nhiều hình thức…

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng chủ động mở các lớp bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho nhân viên các cơ sở phục vụ khách du lịch và người dân tại các điểm đến trên địa bàn. Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh, hằng năm, huyện đều mở từ 1 đến 2 lớp phổ biến kiến thức du lịch cho người dân, nhân viên các cơ sở du lịch trên địa bàn, tăng nhanh tỷ lệ nhân lực du lịch được đào tạo.

Còn ông Đào Xuân Quang (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Nhờ được tham gia các lớp đào tạo về kiến thức du lịch cộng đồng mà tôi hình dung rõ hơn vai trò của mình trong việc thu hút khách du lịch đến địa phương. Tôi hiểu rằng, từ thái độ đến kiến thức đều phải thực sự chuẩn mực, chuyên nghiệp thì mới để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch”.

Quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: “Những năm gần đây, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đều chú trọng hơn đến việc nâng cao, cập nhật kiến thức làm du lịch cho nhân viên. Gần đây nhất, Hội Lữ hành Hà Nội đã làm đầu mối để tổ chức 2 lớp về tiếp thị, quảng bá du lịch qua các phương tiện kỹ thuật số với hơn 200 người tham dự”.

Dù vậy, đại diện Sở Du lịch cũng nhận định, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch Hà Nội còn hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp. Như Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải chia sẻ, sự chuyên nghiệp tại các điểm đến phải bắt đầu từ thái độ của người bảo vệ. Ông Nguyễn Tiến Đạt, chuyên gia du lịch, từng điều hành nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng cho hay, thường phải đào tạo thêm cho các sinh viên mới ra trường vào làm việc tại doanh nghiệp do ông điều hành. Ngoài ra, khả năng sử dụng ngoại ngữ của nhiều nhân viên chưa tốt nên phải mất nhiều thời gian rèn luyện, thích nghi. Điều này bắt nguồn từ việc đào tạo tại các nhà trường vẫn chưa thực sự sát yêu cầu đặt ra, dù tỷ lệ sinh viên khi ra trường thông thạo ngoại ngữ những năm gần đây đã tăng lên.

Không thể bỏ qua chất lượng nguồn nhân lực

Theo Sở Du lịch Hà Nội, đến năm 2020, việc hoàn thành mục tiêu 100% lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch Hà Nội được trang bị, đào tạo kiến thức du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU là hoàn toàn khả thi. Tất nhiên, ngành Du lịch không thể chỉ chạy theo số lượng mà sẽ tập trung vào cả chất lượng nguồn nhân lực, một trong những điểm mấu chốt để du lịch Thủ đô hút khách, khiến khách quay lại.

Hà Nội thường xuyên tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Ảnh: Khuê Diệp

Theo ông Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để sinh viên ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ khi ra trường thì phải làm chặt chẽ, khoa học ngay từ khâu thi tuyển. Vì vậy, từ năm học 2019-2020, Khoa Du lịch học chỉ tuyển sinh khối D, khối thi có môn ngoại ngữ. Còn chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt nhận định: “Chỉ có áp dụng đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc trong hoạt động du lịch, quy trình tác nghiệp thì mới tạo nên sự chuyên nghiệp trong đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay. Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp cũng phải nhận thức rõ về sự chuyên nghiệp, thân thiện để từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên của mình”.

Tại cuộc làm việc với Sở Du lịch Hà Nội vào chiều 21-11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương những nỗ lực của ngành Du lịch Hà Nội trong việc nâng tỷ lệ nhân lực về du lịch được bồi dưỡng, đào tạo, đồng thời nhấn mạnh: “Xét về số lượng, việc đào tạo được 90% nhân lực trong ngành Du lịch Thủ đô cho đến năm 2019 là kết quả tốt. Nhưng đã bảo đảm được số lượng thì chất lượng đào tạo cũng phải nâng lên. Trong đó, phải chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tính chuyên nghiệp từ tất cả đội ngũ những người làm lữ hành, thuyết minh, hướng dẫn viên, buồng phòng… Có như vậy mới mang đến hiệu quả cao hơn cho công tác đào tạo nhân lực”.

Rõ ràng câu chuyện đào tạo nhân lực trong ngành Du lịch Hà Nội không thể chỉ dừng lại ở số lượng người được đào tạo. Chất lượng đào tạo mới là vấn đề cần lưu tâm để du lịch Hà Nội có đội ngũ nhân lực thực sự chuyên nghiệp, thân thiện và lành nghề, qua đó hoàn thành các chỉ tiêu khác của ngành đề ra.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/951019/dao-tao-nhan-luc-cho-nganh-du-lich-ha-noi-chu-trong-ca-so-luong-va-chat-luong