Đào tạo nghề trong CMCN 4.0: Chuyển từ hướng cung sang hướng cầu

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng bởi sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), trong khi nền kinh tế của Việt Nam mới ở mức đang phát triển và bị đan xen giữa các loại hình công nghệ khác nhau, giữa nền công nghệ cũ lạc hậu và nền công nghệ mới, hiện đại nhất.

Thực tế đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Những kỹ năng cần thiết

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Về cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam đang có sự bất cập, đó là trình độ cao đẳng, trình độ sơ cấp, không tương xứng đối với trình độ đại học.

Việt Nam vẫn còn đi sau các nước phát triển rất nhiều về nội dung và chương trình đào tạo. Để giúp cho các em học sinh có thể cập nhật kiến thức kỹ năng và đặc biệt giúp cho các em phát huy tốt nhất mục tiêu học suốt đời của mình, trong sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, thì những kỹ năng cần thiết nhất hiện nay là: Kỹ năng sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng mềm, Tin học và Ngoại ngữ.

Trong góc độ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thầy Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Các phân tích đã chỉ ra nguồn nhân lực hiện nay có trình độ đại học và trên đại học rất nhiều và càng trình độ thấp thì số lượng lại càng ít hơn. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN mặc dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Nước ta đang đứng trước cơ hội và thách thức từ CMCN 4.0, vì vậy các cơ sở GDNN nhất thiết phải nỗ lực đổi mới. Bên cạnh những cơ chế chính sách đồng bộ và sự quyết liệt của toàn ngành, thời gian tới, kỳ vọng chúng ta sẽ có một lực lượng lao động có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế.

Thay đổi phương thức đào tạo

Cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao, CMCN 4.0 sẽ phá vỡ những phương thức đào tạo truyền thống khô cứng, đòi hỏi phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để thực hiện mục tiêu hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng các phương thức đào tạo linh hoạt để cung cấp nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng cao. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc thì cơ hội đang chiếm phần đa số, đối với các tất cả các cơ sở GDNN, bởi Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Đây là cơ hội cho các cơ sở GDNN.

Các trường cần phải nhanh chóng thay đổi quản trị theo công nghệ 4.0, thay đổi chương trình đào tạo và thiết bị đào tạo giáo trình đào tạo theo công nghệ 4.0. Thực tế, cũng đã có một số cơ sở GDNN tiếp cận và hội nhập quốc tế rất nhanh, đã bắt đầu đào tạo có hiệu quả nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, các lĩnh vực tự động hóa trong nông nghiệp, công nghiệp... cho thấy khả năng hội nhập trong lĩnh vực GDNN.

Thách thức trong CMCN 4.0 với yêu cầu thay đổi rất nhanh về công nghệ, một số nghề sẽ nhanh chóng xuất hiện và một số nghề nhanh chóng mất đi. Đồng thời khiến cho dự báo nhu cầu thị trường lao động trở nên khó khăn, khó dự báo chính xác. Vì vậy, đòi hỏi việc vận hành của nhà trường chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu, từ đó tác động đến cả hệ thống quản trị, bộ máy quản lý và tác động đến nhận thức, hành động của cán bộ công nhân viên và giáo viên nhà trường. Đây chính là những thách thức lớn nhất mà các cơ sở GDNN cần phải đặc biệt quan tâm.

“Việc nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên phải được đặt ra từ đầu, từ việc làm thế nào để tiếp cận thị trường, doanh nghiệp. Làm thế nào để phân tích các chương trình trong điều kiện mới và làm thế nào để thực sự biến nhà trường là một tổ chức đào tạo lấy người học làm trung tâm trong toàn bộ các hoạt động của nhà trường”- Cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ.

Anh Quang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/dao-tao-nghe-trong-cmcn-40-chuyen-tu-huong-cung-sang-huong-cau-3920696-b.html