Đào tạo nghề được chú trọng, đã tạo việc làm cho khoảng 1,62 triệu người

Đây là số liệu đáng chú ý được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra trong phần nêu bật một số kết quả nổi bật trong giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khi Báo cáo trước Quốc hội Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng nay 30/10.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo trước Quốc hội

Gần 1.600 kiến nghị của cử tri đã được giải trình

Trong báo cáo trước Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, toàn bộ 2.000 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành đã được nghiên cứu, giải quyết, trả lời, trong đó có gần 1.600 kiến nghị (khoảng 80%) được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri; có 103 kiến nghị (5,14%) đã giải quyết xong, thông qua sửa đổi 16 văn bản theo phản ánh của cử tri.

Theo đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác giải quyết khiếu nại đã có một số kết quả nổi bật, đặc biệt là trong giải quyết kiến nghị của cử tri về lĩnh vực an sinh xã hội, việc làm.

Bà Hải cho biết: ”Qua tiếp thu ý kiến cử tri, nhiều chính sách đã được sửa đổi (như: Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng); giải quyết được gần 6.000 hồ sơ người có công tồn đọng, xác nhận 1.792 liệt sĩ, 2.500 thương binh. Đặc biệt, có trường hợp liệt sĩ hy sinh 70-80 năm trước đã được công nhận”.

Cùng với đó, bà Hải cũng đánh giá cao công tác dạy nghề được chú trọng. "Đã tạo việc làm cho khoảng 1,62 triệu người, đưa 126.000 người đi lao động ở nước ngoài...”, bà Hải nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hải, Chính phủ cũng đã thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; về quy hoạch, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Khu đô thị Thủ Thiêm...

Đặc biệt, phản ánh của cử tri Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ... về tình trạng buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, dược phẩm đã được Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành thanh tra, kiểm tra 728 cơ sở, phát hiện và xử lý 367 vụ vi phạm.

Theo bà Hải, một số vụ vi phạm nghiêm trọng như vụ VINACA, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS... đã được chuyển cơ quan điều tra, xem xét, xử lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm trong thực thi công vụ.

Đòi ”lót tay”, ”phong bì” ngày càng có biểu hiện ”tinh vi"

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả. Cử tri đánh giá cao kết quả đạt được trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn.

Tuy nhiên hiện tượng đòi “hối lộ”, “lót tay”, “phong bì” mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức xã hội, nhưng chậm được phát hiện, xử lý qua thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước.

Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Công tác giải quyết kiến nghị cử tri xem xét, đánh giá toàn diện công tác này.

Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý các vụ tham nhũng lớn, cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong chống “tham nhũng vặt”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dao-tao-nghe-duoc-chu-trong-da-tao-viec-lam-cho-khoang-162-trieu-nguoi-d84321.html