ĐÀO TẠO NGHỀ CHO THANH NIÊN CẦN GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tại Diễn đàn Thanh niên 2022 với chủ đề 'Đào tạo nghề cho thanh niên', trong tham luận của mình, TS.Nguyễn Nhật Quang - Viện Khoa học và Công nghệ Vinasa đã nhấn mạnh về việc đào tạo nghề cho thanh niên cần gắn với chuyển đổi số, bắt kịp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ.

Cần học hỏi, trau dồi kỹ năng theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ

TS.Nguyễn Nhật Quang - Viện Khoa học và Công nghệ Vinasa cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra môi trường sống và làm việc mới. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được công bố gần như hàng ngày trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số. Với phương tiện kết nối mới mọi chủ thể có thêm các phương thức tương tác và trao đổi thông tin mới. Dữ liệu, thông tin, tri thức được trao đổi, được tích lũy và chia sẻ một cách dễ dàng trên quy mô toàn cầu, khả năng sáng tạo của con người được giải phóng với năng lực sử dụng các công cụ tính toán và các cách thức khác nhau để khai thác dữ liệu. Tất cả những điều này đang tạo ra một môi trường sống và làm việc hoàn toàn mới. Một môi trường sống như vậy có thể được coi như một môi trường thực - số.

Các hình thức tương tác mới trong môi trường thực - số có thể thay thế một số hình thức tương tác cũ hoặc biến đổi các hình thức tương tác cũ để trở nên hiệu quả hơn và qua đó thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống và làm việc. Trong bối cảnh như vậy, mỗi chủ thể dù là từng gia đình, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, thậm chí mỗi quốc gia cần chủ động thay đổi một mặt để thích nghi với trường sống mới, môi trường thực - số và mặt khác để khai thác các cơ hội mới mà công nghệ số mang lại. Đó chính là quá trình chuyển đổi số.

Theo TS.Nguyễn Nhật Quang, chúng ta cần nhận thức rằng chuyển đổi số, như dòng chảy chính trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là một thực tế khách quan, dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ bị tác động buộc phải chuyển đổi. Thế giới xung quanh đang thay đổi nhanh, nếu chúng ta chủ động tự thay đổi, thay đổi đúng hướng và thay đổi đủ nhanh thì Cách mạng công nghiệp là một cơ hội to lớn cho từng cá nhân, từng tổ chức và cho từng quốc gia, còn ngược lại, nếu chúng ta không chủ động thay đổi thì mọi sự thay đổi xung quanh đều trở thành thách thức với chúng ta.

TS.Nguyễn Nhật Quang - Viện Khoa học và Công nghệ Vinasa

TS.Nguyễn Nhật Quang - Viện Khoa học và Công nghệ Vinasa

Việt nam đã xác định tâm thế chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị) đồng thời coi chuyển đổi số, cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là phương thức chủ yếu để phát triển bền vững kinh tế xã hội, là động lực để xây dựng một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII). Nhìn một cách tổng thể, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số là cơ hội cho đất nước chúng ta sánh vai các cường quốc năm châu. Nói về cách mạng chính là nói về sự thay đổi mạnh mẽ để kiến tạo tương lai, mà thanh niên chính là tương lai và tương lai là để cho thanh niên. Trong cuộc cách mạng này, thanh niên vừa là chủ thể vừa là đối tượng chính thụ hưởng các thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Chuyển đổi số là cơ hội cho thanh niên tham gia tích cực vào việc kiến tạo ra một môi trường sống và làm việc mới đồng thời xây dựng một tương lai tốt đẹp cho chính mình, cho gia đình mình và cho đất nước mình.

Trong thời đại ngày nay, các sản phẩm, dịch vụ mới ra đời hàng ngày, các ngành nghề mới xuất hiện, công việc trong các ngành truyền thống biến đổi và qua đó tác động sâu sắc đến thị trường lao động. Mỗi thanh niên cần nhận thức sâu sắc các chuyển biến xã hội này để xác định cho mình một tâm thế luôn luôn học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng mới theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Học tập nghề nghiệp phải là một hoạt động suốt đời vì thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng và không ai có thể nói đâu là thời điểm kết thúc của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đào tạo nghề cho thanh niên cần gắn với chuyển đổi số

Đại hội Đảng toàn quốc là thứ XIII đặt ra một mục tiêu rất tham vọng là đến năm 2045 đưa nước ta trở thành một nước thu nhập cao. Hiển nhiên nền kinh tế trong một quốc gia thu nhập cao sẽ đòi hỏi phần lớn lực lượng lao động phải có tay nghề cao. Những người lao động lành nghề ở độ tuổi 45-50 vào năm 2045 bây giờ đang ở độ tuổi 20, chính là lực lượng thanh niên hiện nay và việc chuẩn bị năng lực nghề nghiệp cho họ là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó vai trò của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là quan trọng nhất.

GDNN ở Việt nam là lĩnh vực đã được quan tâm ngay từ khi lập nước. Những năm qua GDNN đã đạt được những thành tựu to lớn, hệ thống các cơ sở GDNN đã được xây dựng trong phạm vi cả nước và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nghề cho thanh niên. Mặc dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau ngành GDNN vẫn chưa đáp ứng được kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt nếu đối chiếu với mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao thì ngành GDNN cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

TS.Nguyễn Nhật Quang cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi số đã đặt ra thêm các yêu cầu mới. Trong 20 năm tới chắc chắn sẽ có rất nhiều ngành nghề mới xuất hiện, các ngành truyền thống sẽ biến đổi sâu sắc. Như vậy đổi mới nội dung GDNN theo hướng 4.0 và nâng cao năng lực số của người lao động sẽ phải là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển GDNN nói chung và chuyển đổi số GDNN nói riêng.

Mặt khác công nghệ số và tư duy chuyển đổi số cung cấp các khả năng to lớn để ngành GDNN giải quyết hiệu quả các vấn đề cũ và mới. Trong môi trường truyền thống, nếu muốn tăng gấp đôi quy mô đào tạo ta phải tăng gấp đôi số trường, số giáo viên và điều này rất khó khăn trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Trong môi trường thực - số, với công nghệ số ta có thể tăng quy mô đào tạo một cách đáng kể trên cơ sở sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có. Với các nền tảng số phù hợp, ngành GDNN có thể kết nối tốt hơn với doanh nghiệp, với thị trường lao động, dự báo chính xác hơn nhu cầu đào tạo và qua đó nâng cao chất lượng GDNN. Như vậy chuyển đổi số có thể giúp ngành GDNN đổi mới nội dung đào tạo, cải thiện hiệu suất quá trình đào tạo và nâng cao chất lượng quản lý, quản trị trên cơ sở sử dụng hiệu quả dữ liệu số và kết nối số.

TS. Nguyễn Nhật Quang cũng chỉ ra, trong một tương lai đáng mơ ước, nước ta sẽ có một nền tảng số cho GDNN, kết nối tất cả các cơ sở GDNN trong và ngoài công lập, kết nối các nhà giáo, các kỹ sư, các doanh nghiệp với tất cả những ai có nhu cầu học nghề, kết nối với các cơ sở tri thức chuyên ngành, các kho học liệu số của Việt Nam và quốc tế. Trên nền tảng số đó, mọi chủ thể chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin và tri thức với nhau, mỗi người có nhu cầu học nghề có thể tìm được người dạy nghề cho mình, mỗi doanh nghiệp sẽ trở thành một cơ sở GDNN, cùng với hệ thống các trường nghề được chuyển đổi số để thành các trường nghề “thông minh” (Smart College) có thể cung cấp dịch vụ đào tạo nghề cho bất kỳ ai có nhu cầu không phụ thuộc vị trí địa lý và độ tuổi. Nói cách khác một nền tảng số như vậy sẽ là một hạ tầng thiết yếu để xây dựng một xã hội học tập, là điều kiện không thể thiếu để Việt nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

TS. Nguyễn Nhật Quang nêu rõ, chuyển đổi số tất nhiên không chỉ là xây dựng một nền tảng công nghệ. Để chuyển đổi số GDNN cần giải quyết đồng bộ các vấn đề con người, về văn hóa và thể chế. Trong môi trường học tập mới người học phải khác đi, người dạy cũng phải khác đi. Phương pháp sư phạm sẽ phải được tay đổi để thích ứng với các điều kiện mới. Việc đưa các nội dung đào tạo cũ, cách thức truyền đạt cũ lên môi trường trực tuyến sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và không phải là chuyển đổi số. Tương tự như vậy các quy định, chế độ, các định mức kinh tế kỹ thuật cũng phải được thiết kế lại cho phù hợp với môi trường GDNN mới.Tất cả các nội dung nêu trên đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị phải tham gia vào sự nghiệp chuyển đổi số GDNN, trong đó vai trò của các tổ chức thanh niên đóng vai trò quan trọng.

TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh, để chuyển đổi số GDNN một cách thành công cần thống nhất nhật thức đây là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và thanh niên như là chủ thể đồng thời là đối tượng thụ hưởng các thành tựu chuyển đổi số phải đóng vai trò xung kích. Về phía nhà nước, cần coi hoạt động chuyển đổi số GDNN là hoạt động đầu tư cho hạ tầng nhân lực cho nền kinh tế và phải được coi trọng ít nhất là ngang bằng với đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quốc gia./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63690