Đào tạo nghề cho người dân có cuộc sống tốt hơn

Hôm qua (13.11), Quốc hội thảo luận về dự án sân bay Long Thành. Vấn đề đào tạo nghề (ĐTN) cho người phải di dời tái định cư (TĐC) phục vụ dự án trở thành vấn đề nóng của nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu băn khoăn về các phương án ĐTN và sử dụng lao động chưa thực sự rõ nét, không đảm bảo 'có cuộc sống tốt hơn sau khi di dời TĐC'. Trao đổi riêng cùng Lao Động, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng:

Mô hình sân bay Long Thành. Ảnh: T.L

Có hai vấn đề nổi lên mà các đại biểu cũng đang rất quan tâm. Thứ nhất là việc những hộ dân di dời, nhận tiền đền bù đó khi chuyển đến nơi ở mới thì tiền đó có đủ để người ta tạo lập được nơi sinh sống và các điều kiện sinh hoạt hay không? Thứ hai là tạo lập nghề nghiệp, công việc làm cho những người sau khi di dời.

- Trong phương án về ĐTN cho người dân TĐC, theo ông, có những vấn đề gì cần phải xem xét chi tiết cụ thể hơn nữa?

- Trong dự án này, phương án ĐTN mới chỉ ra có cơ sở nào ĐTN, có nghề nào đào tạo, và chính sách hỗ trợ cho người ta như thế nào. Nhưng điều quan trọng là chính sách hỗ trợ cho người ta sau khi đào tạo xong thì người ta làm việc ở đâu, cơ sở nào sẽ nhận người ta thì trong báo cáo dự án này chưa chỉ ra được điều đó.

Do vậy tôi nghĩ rằng nếu như để có cơ sở một cách chắc chắn thì chúng ta phải xuất phát từ chính những cơ sở sử dụng lao động, xuất phát từ những doanh nghiệp (DN), xuất phát từ những khu vực dịch vụ tương lai sẽ hình thành cho sân bay Long Thành đấy người ta sẽ cần cái gì, cần số lượng là bao nhiêu và yêu cầu về mặt chuyên môn, kỹ thuật, trình độ ra làm sao. Chúng ta mới định hướng đến việc ai sẽ là người đi đào tạo và đào tạo cái gì, chứ không phải là chúng ta đặt ra trong đề án như hiện nay là cơ sở nào người ta đang đào tạo cái gì thì cử người đi học ở cơ sở đó.

Cái thứ hai mà tôi cho rằng cần phải lưu ý đến là có nhiều người không còn trong độ tuổi để thích nghi với việc đi học nghề mới, có thể người ta phải tự tạo việc làm. Thế thì việc này chúng ta cần phải quy hoạch ngay trong cái khu TĐC hoặc ở khu dịch vụ ở Long Thành, thành những khu để người dân tự tạo việc làm. Chẳng hạn khi hình thành sân bay thì dịch vụ gì dành cho những người tới sinh sống, làm việc? Phải tạo điều kiện cho những người dân từ nông nghiệp đổi nghề sang làm dịch vụ đó. Ví dụ như dịch vụ về nhà ở, vừa là tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân phải di dời sang khu TĐC.

- Có ý kiến của một số ĐBQH cho rằng nên sử dụng tiền hỗ trợ đào tạo nghề hỗ trợ trực tiếp các DN, để họ có thể đào tạo nghề theo đúng nhu cầu. Theo ông, có nên như vậy hay không?

- Tôi cũng cho rằng chúng ta không nên trao toàn bộ tiền hỗ trợ đào tạo việc làm cho NLĐ thuộc đối tượng di dời được hỗ trợ. Chúng ta cũng không nên trao cho người nhận di dời đó một cái gọi là phiếu ĐTN để người ta tự đến trung tâm ĐTN để được học nghề. Nhiều khi xảy ra tình trạng là hoặc người ta dùng tiền đấy vào việc riêng mà không đi học nghề. Hoặc thậm chí người ta cầm cái phiếu ấy, mang tới trung tâm ĐTN bán lại, việc ấy giải quyết lợi ích cho cả hai bên.

Điều quan trọng nhất là làm thế nào để DN sẵn sàng bỏ tiền ra ĐTN cho những đối tượng này. Và người đi học cũng sẵn sàng bỏ một phần tiền để đi học nghề đó. Như vậy thì phải có một cơ chế để DN thấy rằng chúng tôi cần lao động này, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra một phần tiền để đào tạo. Nhà nước cũng sẽ dùng tiền để đào tạo đem hỗ trợ thêm một phần cho đào tạo đó. Khi ấy việc đào tạo mới thực sự hữu ích cho cả DN và cả NLĐ.

- Xin cảm ơn ông!

Dự án sân bay Long Thành: Dân mong dự án triển khai sớm từng ngày

- Ông Ngô Thế Ân - Chủ tịch UBND H.Long Thành, nơi diễn ra dự án - cho biết: Chúng tôi đã sẵn sàng từ lâu. Người dân đang mong chờ từng ngày. Trong lúc khu vực Đồng Nai đang phát triển rất năng động thì người dân vùng 5.000ha sân bay và vùng lân cận vì dự án không thể chuyển đổi qua lĩnh vực khác để phát triển được mà vẫn phải làm nông nghiệp với thu nhập thấp. Đây là hạn chế, người dân đang rất mong muốn nhận bồi thường sớm để chuyển đổi sang nghề nghiệp mới. Một cấp thiết khác cũng đang được đặt ra là vấn đề giải quyết việc làm cho người dân. Ông Ân cho biết, đối với nhóm người từ 40-45 tuổi thì việc làm công nhân là không thể do họ ngoài độ tuổi tuyển dụng. Những người có tuổi từ 60-65 ở địa phương có thể bám ruộng vườn để sống nhưng chuyển ra vùng tái định cư thì khó có việc làm” - ông Ân cho biết và đề xuất Quốc hội xem xét các biện pháp hỗ trợ đối với nhóm người ở độ tuổi cao này. MINH CHÂU

- ĐB Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT: Chúng tôi xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó việc chúng ta thực hiện phải hết sức thận trọng, quy mô rất lớn, ảnh hưởng người dân rất nhiều. Chúng tôi nghĩ làm sẽ hết sức thận trọng, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, thực hiện làm sao đảm bảo công khai, minh bạch. Đây là công trình cấp bách, rất mong các ĐBQH ủng hộ. Đ.T.X.H

Đ.THÀNH - X.HẢI thực hiện

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-cho-nguoi-dan-co-cuoc-song-tot-hon-575952.ldo