Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vân Đồn

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, huyện Vân Đồn đã quan tâm đẩy mạnh dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, tăng thu nhập cho người dân.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, hằng năm, phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn đều tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của địa phương. Qua đó, có cơ sở định hướng nghề nghiệp đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, để đề xuất, mở các lớp đào tạo nghề có hiệu quả cao, thu hút đông đảo học viên tham gia.

Lao động ở huyện Vân Đồn tìm hiểu thông tin cần thiết từ nhà tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm tổ chức trên địa bàn huyện, tháng 3/2019. Ảnh: Mai Duyên (Trung tâm TT-VH Vân Đồn)

Lao động ở huyện Vân Đồn tìm hiểu thông tin cần thiết từ nhà tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm tổ chức trên địa bàn huyện, tháng 3/2019. Ảnh: Mai Duyên (Trung tâm TT-VH Vân Đồn)

Các nhóm nghề được tập trung, gồm: Dịch vụ du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn, phục vụ; đan lưới, lái xe… Hiệu quả thấy rõ qua các lớp đào tạo nghề, điển hình như anh Trần Văn Bảo (xã Đoàn Kết), một trong những học viên được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vân Đồn. Trước kia, anh Bảo vốn làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo lái xe cho lao động nông thôn, anh Bảo xin làm lái xe taxi, công việc và thu nhập ổn định hơn trước.

Không chỉ anh Bảo mà nhiều học viên khác sau khi tham gia chương trình đào tạo đã tìm được việc là ổn định, như chị Lưu Thị Thương (xã Quan Lạn) sau khi hoàn thành khóa học về buồng - bàn - bar, đã mạnh dạn kinh doanh nhà hàng phục vụ khách du lịch. Hằng tháng, ngoài thu nhập cố định, gia đình chị cũng tạo việc làm cho một số lao động địa phương.

Trong năm 2019, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho 69 lao động nông thôn, đạt 66% kế hoạch. Tổ chức 1 buổi truyền thông, tư vấn học nghề cho 120 trưởng thôn, cộng tác viên thôn, khu; phát 3.500 tờ rơi tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tư vấn, giải quyết việc cho lao động. Ngoài ra, Trung tâm GDNN&GDTX huyện phối hợp với trường nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức 6 lớp trung cấp nghề, gồm các lớp: Điện dân dụng, hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lưu trú, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ cho 245 học viên.

Bà Đặng Thị Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn, cho biết: Căn cứ trên tình hình thực tiễn, Phòng sẽ tham mưu mở các lớp đào tạo nghề cho phù hợp. Đối với lao động có điều kiện sản xuất, có đất, có rừng thì hướng vào đào tạo những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ, như các mô hình trồng trọt, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm… Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên chưa tổ chức được lớp dạy nghề, dự kiến từ nay đến cuối năm huyện sẽ mở 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho khoảng 105 lao động nông thôn, trong đó tập trung vào những ngành nghề cung cấp lao động chất lượng cao cho KKT Vân Đồn... Hầu hết các lớp dạy nghề được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất của địa phương, giúp học viên có kiến thức cơ bản, vận dụng hiệu quả vào thực tế, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Các hộ dân thả nuôi hàu tại khu vực xã Bản Sen, huyện Vân Đồn.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, do trình độ học viên không đồng đều, nên việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng còn hạn chế; người lao động sau học nghề được tuyển vào các doanh nghiệp còn ít. Thêm vào đó, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, việc liên kết của các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm không nhiều, nên phần lớn học viên sau khi học nghề đều tự tạo việc làm.

Ðể công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao hơn, ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Có như vậy người dân mới yên tâm tham gia các lớp học để nâng cao tay nghề và kỹ năng, tìm kiếm công việc, với mức thu nhập ổn định ở những nghề phi nông nghiệp.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-o-van-don-2492710/