Đào tạo lao động nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu

Lao động nông nghiệp, nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lớn nhưng trình độ, kỹ năng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, lao động nông nghiệp, nông thôn vùng này đang có xu hướng già hóa, đặc biệt trong khu vực nông lâm thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL. Đó là một trong những trở ngại trong chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

Phần lớn lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản khu vực ĐBSCL chưa qua đào tạo. Ảnh: Bích Nguyên

Phần lớn lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản khu vực ĐBSCL chưa qua đào tạo. Ảnh: Bích Nguyên

Phần lớn lao động nông lâm thủy sản chưa qua đào tạo

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, lao động của vùng ĐBSCL năm 2017 đạt 10,6 triệu, tăng 0,45% trong giai đoạn 2012-2017, quy mô lao động nông nghiệp, nông thôn giảm, tỷ xuất di cư thuần liên tục âm. Có một đặc điểm đáng lưu ý là lực lượng lao động đang có xu hướng già hóa. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi dưới 35 giảm từ 45% năm 2012 xuống còn 38,9% năm 2017; lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 20,7% lên 26,8%.

Trong ngành nông lâm thủy sản, lao động dưới 30 tuổi giảm 37,4% xuống 26,2% và lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 24,1% lên 34,1%. Phần lớn lao động nông lâm thủy sản chưa qua đào tạo, nhưng trình độ lao động nông nghiệp ngày càng được cải thiện khi tỷ lệ chưa qua đào tạo giảm từ 97,1% năm 2011 xuống còn 90,8% năm 2017.

Dù ĐBSCL là vùng được hỗ trợ đào tạo lớn nhất cả nước, nhưng hiệu quả đào tạo nghề lại thấp nhất, với 78,3% lao động được đào tạo có việc làm (trung bình cả nước là 81,3%). Nguyên nhân do chương trình đào tạo nông nghiệp và phi nông nghiệp thiếu thực tế, chủ yếu tập trung vào giảng dạy lý thuyết, chưa có thực hành nên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Năng lực đào tạo của các trường và trung tâm còn hạn chế, thiếu kết nối với người sử dụng lao động; cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện còn chồng chéo, triển khai chậm, định mức hỗ trợ đào tạo thấp hơn so với thực tế...

Thiếu sự kết nối giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp

Việc triển khai các chương trình, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm đòi hỏi phải có cách làm hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế.

Ông Trương Tiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, trong lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thì sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở dạy nghề chưa tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, ngược lại, các doanh nghiệp cũng chưa đặt ra tiêu chí người lao động phải có tay nghề trước khi tuyển dụng.

Ông Thọ cho biết, hiện, tỉnh An Giang có gần 2,2 triệu người, trong đó dân số sống ở nông thôn chiếm khoảng 69,25%. Số lao động trong nông nghiệp chiếm 53,66%. Hàng năm có khoảng trên 20.000 người bước vào tuổi lao động, trung bình có khoảng 30.000 người có nhu cầu về việc làm. Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, An Giang đã đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, giảm dần diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng các loại hoa màu, phát triển chăn nuôi quy mô lớn và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, An Giang cũng đang phải đối mặt với tình trạng lao động di cư sang các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Đặc biệt là nhiều gia đình chỉ muốn con em mình học đại học chứ không muốn học nghề. Do đó, lao động có tay nghề ngày càng ít.

Để nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, ông Thọ cho rằng, Trung ương cần có chính sách tăng định mức hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn (cả người học và giảng viên/người truyền nghề) sau năm 2020 nhằm đào tạo cho lao động nông thôn có tay nghề cao, phù hợp với việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay riêng cho các lao động sau khi được đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Lao động làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; lao động tham gia sản xuất trong các vùng sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất công nghệ cao...

Người lao động làm việc cho một hộ kinh doanh thủy sản ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ảnh: Bích Nguyên

Một vấn đề nữa đặt ra là phải chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn khu vực này theo nhu cầu thị trường. Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhận định, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp đang thu hẹp dần đòi hỏi phải có chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có năng lực cũng như kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ông Thắng cho rằng, việc ưu tiên đào tạo các ngành nghề phù hợp với ngành, lĩnh vực sản xuất chuyển đổi là vấn đề được đặt ra. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư doanh nghiệp tại các địa phương, tích cực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp đặc biệt cho lao động trẻ. Vấn đề xuất khẩu lao động nông nghiệp cũng là giải pháp được tính đến.

Theo đó, cần nghiên cứu thị trường lao động trọng điểm, phân khúc thị trường, chính sách nhập khẩu lao động, yêu cầu của từng thị trường... Tăng cường liên kết, hợp tác với các quốc gia sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, khuyến khích và ưu tiên lao động trẻ có trình độ tham gia xuất khẩu để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh chính sách tín dụng ưu đãi, linh hoạt đối với xuất khẩu lao động.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dao-tao-lao-dong-nong-nghiep-nong-thon-chua-dap-ung-nhu-cau/