Đào tạo hệ đại học: Không thể rút ngắn xuống 2 năm

Trước sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến nhanh như vũ bão, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị thời gian học đại học (ĐH) từ 4 – 5 năm, giảm còn 2 năm để sớm có đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu DN. Đề xuất này liệu có khả thi?

 Giờ thực hành điện, điện tử tại trường ĐH Công nghiệp Hà Hội. Ảnh: Thanh Hải

Giờ thực hành điện, điện tử tại trường ĐH Công nghiệp Hà Hội. Ảnh: Thanh Hải

Học nhanh để sớm có nguồn nhân lực

Đề nghị của người đứng đầu VCCI bắt nguồn từ trình độ quản trị của các DN Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH, có tới 2/3 số DN được hỏi cho biết, phần lớn người lao động đang thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn và những yếu tố cốt lõi khác. Báo cáo của VCCI cho kết quả 55% DN khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, 60% DN FDI có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, nâng chất lượng nguồn nhân lực trở thành yếu tố quan trọng nhất, hạt nhân thúc đẩy sự tăng trưởng, muốn vậy phải cải cách hệ thống giáo dục đào tạo. “Đào tạo ĐH trong bối cảnh hiện nay nên rút ngắn còn 2 năm, bởi thế giới thay đổi rất nhanh. Nếu 4 - 5 năm mới “đẻ” ra một thế hệ các nhà kỹ thuật, nhà công nghệ thì lạc hậu so với thời cuộc” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phân tích.
Tuy nhiên, quan điểm học ĐH 2 năm không được nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình vì chưa có nước nào thực hiện. Theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, ban hành ngày 18/10/2016 nêu rõ: “Chương trình đào tạo ĐH có thời gian tương đương 3 – 5 năm học tập trung đối với người tốt nghiệp THPT hoặc người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT”.

Thực hiện theo quy định này, các trường ĐH phải điều chỉnh chương trình, phương thức đào tạo và về phía sinh viên phải đăng ký số tín chỉ nhiều hơn, học cả trong kỳ nghỉ hè.

Chưa có nước nào đào tạo ĐH 2 năm
Thực tế 3 năm qua, khi số người tốt nghiệp ĐH 3 năm chưa nhiều thì câu chuyện học ĐH 2 năm mà ông Vũ Tiến Lộc đưa ra hoàn toàn không khả thi. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: Với khối lượng kiến thức trong chương trình đào tạo ĐH có trung bình 140 tín chỉ sẽ không thể chuyển tải đến người học trong 2 năm, các ngành khoa học kỹ thuật có thể nhiều hơn. Các trường lại phải thực hiện cơ số các tín chỉ thuộc khối kiến thức bắt buộc đã được Nhà nước quy định.

Ở trường ĐH KHXH&NV có khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp 3 – 3,5 năm, nhưng số 3 năm chưa nhiều. Để có kết quả này, trường tạo điều kiện tối đa cho người học đăng ký môn học, sinh viên phải học thêm 2 kỳ vào mùa Hè. Những sinh viên giỏi ngoại ngữ được trường miễn môn học này để chuyển sang học chuyên môn thì thời gian học ĐH mới rút ngắn. Mới đây, ở ĐH Thủ đô Hà Nội đã trao bằng tốt nghiệp sớm cho sinh viên, nhưng số lượng không nhiều, chỉ hơn 10% trên tổng số khóa học.
Triết lý học tập của UNESCO từ lâu đã thay đổi theo tư tưởng khai phóng, đó là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, chứ không phải cung cấp cho người học một nghề cụ thể.

“Thời gian đào tạo ĐH của Việt Nam cũng phải theo thông lệ chung của quốc tế, nhất là những nước đối tác để được công nhận trình độ lẫn nhau. Tôi chưa thấy nước nào đào tạo ĐH 2 năm. Đào tạo cử nhân 3 năm có ở Anh, nhưng kèm theo điều kiện giáo dục phổ thông 11 năm và 2 năm dự bị ĐH. Nước Mỹ, các quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á áp dụng thời gian học ĐH 4 năm và giáo dục phổ thông 12 năm” – TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay.

Đào tạo trình độ ĐH là tạo ra những con người sẵn sàng phát kiến cái mới và thích ứng nhanh với sự thay đổi. Người học ĐH rất cần có thời gian để tư duy, nhận thức, tiếp thu, trải nghiệm.

Nếu chủ sử dụng muốn sử dụng lao động chất lượng cao thì nên chú ý đến đào tạo lại những kỹ sư đang làm việc trong DN – họ cần được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, việc này quan trọng hơn rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn 2 năm.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dao-tao-he-dai-hoc-khong-the-rut-ngan-xuong-2-nam-314613.html