Đào tạo chính quy lực lượng Quản lý thị trường: Mục tiêu trọng tâm

Với hoạt động chuyên môn đòi hỏi kiến thức trên nhiều lĩnh vực, công tác đào tạo chính quy lực lượng quản lý thị trường (QLTT) là một trong những mục tiêu trọng tâm của Tổng cục QLTT thời gian tới.

Trang bị kỹ năng

Theo thông tin từ Tổng cục QLTT, dự kiến, trong 3 năm tới, số cán bộ, công chức trong ngành nghỉ hưu sẽ lên đến hàng trăm người/năm. Trong khi đó, để đào tạo được một cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ cần rất nhiều thời gian. "Do đó, tìm kiếm lực lượng bổ sung đang là vấn đề cấp bách đối với Tổng cục QLTT. Thêm nữa, công việc QLTT phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, nắm vững pháp luật" - ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLcho biết.

Quản lý thị trường - lực lượng chủ công trên thị trường nội địa

Quản lý thị trường - lực lượng chủ công trên thị trường nội địa

Đáng chú ý, kỹ năng xây dựng nguồn tin cơ sở để có thể hình thành lực lượng "trinh sát" tại từng khu dân cư, tổ dân phố rất quan trọng. Đơn cử, mỗi cán bộ QLTT ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang phải phụ trách một phường với số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh lớn. Nếu không có "trinh sát" cơ sở, khó có thể quản lý tốt địa bàn. Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng cần được trang bị thêm rất nhiều kỹ năng để có thể đối phó với các đối tượng gian lận.

Theo ông Trần Hữu Linh, đặc trưng của QLTT là tiếp xúc với mặt trái của cơ chế thị trường. Trong khi các lực lượng khác chủ yếu quản lý địa bàn, có danh sách để kiểm tra thì QLTT nhiều khi phải mặc thường phục để trinh sát nắm tình hình; xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có dấu hiệu buôn bán hàng hóa, nhất là vùng sâu, vùng xa nên việc trang bị các kỹ năng tự bảo vệ rất cần thiết.

Đảm bảo cả chất và lượng

Song song với công tác kiện toàn lực lượng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, công tác đào tạo chính quy lực lượng QLTT là một trong những mục tiêu trọng tâm. Tổng cục sẽ đưa ra những kế hoạch cụ thể ngắn hạn, dài hạn trong công tác đào tạo. Trước hết, tổ chức hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát trên nhiều lĩnh vực; đồng thời, liên kết tập huấn với đơn vị trong và ngoài nước về kinh nghiệm QLTT.

Về lâu dài, Tổng cục QLTT nghiên cứu, phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) mở chuyên ngành đào tạo QLTT. PGS-TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - cho biết, lực lượng QLTT ở các nước phương Tây và Mỹ được đào tạo cùng với ngành hải quan để đảm bảo quản lý hàng hóa thông suốt. QLTT cũng cần có kiến thức đặc trưng như thanh tra, giám sát, thực thi quyền hạn trong phạm vi được phân công; phải được học các môn liên quan đến kiểm soát, điều tra hoạt động buôn lậu, phòng, chống hàng giả, hàng nhái…

Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế sẽ lập đề án tuyển sinh chuyên ngành QLTT nhưng chưa thể tuyển sinh ngay trong năm 2019 do đề án phải qua được Hội đồng của Viện, cơ quan quản lý nhà nước thông qua. Dự kiến, năm 2020 chính thức tuyển sinh. Số lượng ban đầu chỉ khoảng 50-60 học viên và sẽ nâng dần theo từng năm cho đến khi đáp ứng được đủ nhu cầu của ngành này.

Tổng cục QLTT và Cục QLTT các địa phương luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn.

Hà Thu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dao-tao-chinh-quy-luc-luong-quan-ly-thi-truong-muc-tieu-trong-tam-118930.html