Đào tạo chất lượng cao nhưng dạy bằng tiếng Việt

Đóng học phí cao gần gấp đôi so với các sinh viên học lớp đại trà nhưng lại không được đào tạo nâng cao như tên gọi 'chương trình chất lượng cao'.

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số sinh viên (SV) đang theo học chương trình chất lượng cao (CTCLC) khóa 13 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết các lớp được đào tạo CTCLC của những khóa trước thì các môn chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng từ khóa 13 lại dạy toàn tiếng Việt.

Thất vọng khi trường chuyển sang học tiếng Việt

Em TP, SV khóa 13 đang theo học CTCLC ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Ngay từ đầu em nghe nói khi học CTCLC sẽ được học bằng tiếng Anh và giáo trình bằng tiếng Anh nên em mới đăng ký học. Giờ học đến những môn chuyên ngành cũng không thấy dạy bằng tiếng Anh. Khóa 13 của tụi em thì chương trình học cũng gần giống các lớp đại trà, chỉ khác về cơ sở vật chất như lớp ít SV hơn, phòng học có máy lạnh”.

Tương tự, em MH, là SV khóa 13 đang theo học CTCLC ngành kỹ thuật, chia sẻ: Ban đầu khi quyết định theo học CTCLC em cũng đã được tư vấn về chương trình. Theo đó, nếu em theo học CTCLC sẽ được nâng cao trình độ ngoại ngữ, được học giáo trình bằng tiếng Anh, được trường tạo điều kiện tối đa về việc làm khi ra trường. Em nghe rất thích nên đã thuyết phục gia đình đầu tư cho mình để theo học chương trình này. Tuy nhiên, trên thực tế các em không được đào tạo bằng tiếng Anh mà chương trình cũng đào tạo như các lớp đại trà. Trong khi đó, các SV lớp CTCLC phải đóng học phí một học kỳ hơn 16 triệu đồng, còn lớp đại trà chỉ có khoảng 8 triệu đồng.

“Em thấy CTCLC cũng giống lớp đại trà và em muốn xin xuống lớp đại trà cũng không được. Giờ thì đóng học phí cao chỉ để được dịch vụ cao em không thích” - SV MH cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, một giảng viên dạy CTCLC Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết trước đây nhà trường thực hiện giảng dạy CTCLC theo Thông tư 23/2014 của Bộ GD&ĐT, trong đó việc giảng dạy bằng tiếng Anh và thi cử bằng tiếng Anh luôn được thực hiện tốt. Tuy nhiên, đến khóa 13 thì ngưng và chuyển sang dạy bằng tiếng Việt.

“Tôi có trực tiếp tham gia giảng dạy CTCLC ngay từ những ngày đầu trường tuyển sinh. Với việc giảng dạy bằng tiếng Anh, các SV có thể tiếp cận giáo trình, sách vở, kiến thức hiện đại và sau này ra trường làm việc tại các ngân hàng, công ty nước ngoài rất thuận tiện. Tuy nhiên, từ khóa 13 trở đi, lớp CTCLC trường lại chuyển sang dạy bằng tiếng Việt, điều này tôi rất tiếc. Theo tôi, việc đào tạo các em bằng tiếng Anh rất có ích, nó đáp ứng cho quá trình hội nhập. Hiện nay trường thu tiền các em là thu tiền chất lượng cao nhưng lại giảng dạy giống các lớp đại trà thì thiệt thòi cho các em. Làm như thế khóa học CTCLC không còn ý nghĩa của chất lượng cao mà giống như dịch vụ cao vậy” - giảng viên này băn khoăn.

Sinh viên yếu tiếng Anh nên chuyển sang dạy tiếng Việt

Lý giải vì sao CTCLC từ giảng dạy bằng tiếng Anh chuyển sang tiếng Việt, PGS-TS Lê Văn Tán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết những SV theo học CTCLC được chăm sóc rất kỹ. Cụ thể, hằng năm nhà trường đều tổ chức họp với các SV, giám thị để nghe những đánh giá, góp ý của các em trong quá trình đào tạo. Về chất lượng đào tạo thì trường bám theo tiêu chí giảng dạy của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, về cơ sở vật chất và điều kiện học tập của các SV được trang bị với máy móc, thiết bị hiện đại nhất.

“Đúng là trước đây trường tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh đối với các em học CTCLC nhưng một số năm gần đây trường nhận thấy việc giảng dạy bằng tiếng Anh chưa ổn. Chưa ổn ở đây là vì một số em vẫn không theo kịp giáo trình bằng tiếng Anh. Qua thăm dò ý kiến thì trường quyết định thay đổi cách dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt và trình chiếu Powerpoint bằng tiếng Anh để phù hợp hơn và giúp các em dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra, trường tăng thêm khóa CTCLC 10 chứng chỉ tiếng Anh để các em nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đây là cách tính toán tốt nhất của nhà trường, vừa nâng cao chất lượng theo chiều sâu, vừa giúp các em dễ tiếp thu hơn” - PGS-TS Lê Văn Tán nói.

Cũng theo PGS-TS Lê Văn Tán, việc chuyển đổi này trường có đăng lên thông tin tuyển sinh chứ không tự ý thực hiện. Hơn nữa, trong các cuộc họp giữa nhà trường với SV thì trường không nghe các em trao đổi hay phàn nàn về vấn đề giảng dạy bằng tiếng Việt. Với những thông tin phản ánh này, trường sẽ lưu ý và có sự đánh giá, trao đổi thêm.

Giải thích vì sao không cho SV lớp CTCLC chuyển sang lớp đại trà, PGS-TS Lê Văn Tán cho biết việc này do liên quan đến cân đối ngân sách của trường.

20% tín chỉ CTCLC phải được dạy bằng tiếng Anh

Điều 12 Thông tư 23/2014 của Bộ GD&ĐT quy định việc tổ chức đào tạo CTCLC phải đảm bảo có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng ngôn ngữ của chương trình đào đạo nước ngoài hoặc tiếng Anh…

Thông tư nói trên cũng quy định việc thay đổi trong quá trình đào tạo, nếu SV CTCLC không đủ điều kiện để tiếp tục học tập CTCLC theo quy định của cơ sở đào tạo thì phải chuyển sang học chương trình đào tạo đại trà hoặc thôi học theo quy định của cơ sở đào tạo.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/dao-tao-chat-luong-cao-nhung-day-bang-tieng-viet-850689.html