Đào tạo bác sĩ tương đương trình độ nào?

Đại biểu Quốc Hội Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị Dự thảo Luật Giáo dục Đại học cần có những quy định cụ thể riêng với đào tạo bác sĩ thay vì không được đề cập cụ thể trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này.

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật GD Đại học. Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, đào tạo nhân lực ngành y tế có nhiều đặc thù nhưng việc công nhận trình độ, văn bằng… lại không được đề cập rõ ràng trong dự Luật.

Theo bà Yến, để trở thành bác sĩ hành nghề chuyên môn, sau khi hoàn thành 6 năm, người học còn phải thường xuyên đào tạo cập nhật. Trong 6 năm học để thành bác sĩ, không như cử nhân khác, người học còn phải liên tục thực hành, trải nghiệm công việc trực tiếp ở cơ sở y tế dựa trên nền tảng lý thuyết.

Đại biểu quốc hội Lê Thị Yến

Nội dung đào tạo ngành y cũng phức tạp hơn so với đào tạo cử nhân 4 năm các ngành khác, thời gian đào tạo dài hơn 1 – 2 năm, sau đó còn đào tạo chuyên khoa sâu (Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 và Nội trú). Riêng đào tạo bác sĩ nội trú là 9 năm.

“Với đặc thù như vậy, đối tượng này không thể hòa cùng trình độ cử nhân, thạc sĩ, thế nhưng trình độ chuyên sâu của đào tạo y khoa lại ko đươc trình vào dự thảo luật lần nào, vậy sẽ quy đinh ở luật nào?” – đại biểu Lê Thị Yến băn khoăn.

Cũng theo đại biểu Yến, nội tại của dự thảo Luật không có sự nhất quán. Cụ thể, dự thảo Luật tại điều 73 quy định: giao cho Chính phủ quy định trình độ tương đương. Thế nhưng, khoản 1 điều 6 lai không nói rõ trình độ tương đương là cụ thể trình độ gì. Điều này gây nên tình trạng không rõ Chính phủ sẽ căn cứ vào đâu để quy định.

“Nếu điều 73 đã quy định giao cho Chính phủ quy định trình độ tương đương, điều này đồng nghĩa với việc ban soạn thảo đã công nhận còn có những trình độ thuộc giáo dục đại học mà không phải là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Vậy chương trình đào tạo chuyên sâu như bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú là tương đương với trình độ, văn bằng nào? “ – đại biểu này phân tích.

Ảnh minh họa

Với những lý do trên, đại biểu Lê Thị Yến đề nghị dự thảo Luật GD đại học phải có sự bổ sung hoàn chỉnh, nhất quán. Theo đó, bổ sung sửa khoản 1 điều 6 thành: Chính phủ quy định đào tạo chuyên gia đối với một số lĩnh vực đào tạo ngành chuyên sâu, đặc thù, cùng với đó là quy định trình độ văn bằng chuyên gia với một số ngành đào tạo nói trên.

“Đào tạo nghề y là vấn đề liên ngành, quy định về đào tạo do bộ GD&ĐT chủ trì, quy định chuyên môn do bộ y tế chủ trì, chi phí đào tạo, lo cho giảng viên và người học do Bộ Tài chính chủ trì, quy định về chế độ đãi ngộ do Bộ Nội vụ chủ trì. Vì vậy, dự thảo Luật GD Đại học cần được thể chế hóa rõ ràng, cụ thể, minh bạch và nhất quán”.

Bộ Y tế: Luật công nhận văn bằng chuyên sâu ngành y như thế nào?

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 5/11, đại diện Bộ Y tế cũng lên tiếng về việc dự thảo Luật GD Đại học chưa đề cập đến đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho hay, một trong những nội dung rất quan trọng của luật là trình độ và văn bằng giáo dục Đại học lại chưa được đề cập.

“Bộ Y tế có ý kiến nhiều lần về việc không nên bỏ qua trình độ và văn bằng chuyên sâu trong đào tạo nhân lực y tế. Hiện những luật giáo dục của Việt Nam chỉ giữ về văn bằng (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư) mà bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu (trong y tế có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú). Đặc biệt, trong dự thảo không nói rõ về nội dung này"- ông Lợi nói.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Lợi, nếu không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong Luật thì giao Chính phủ quy định về xác định chỉ tiêu, thời gian đào tạo… như ở Điều 73 chỉ làm rối hệ thống thêm mà không giải quyết được việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/dao-tao-bac-si-tuong-duong-trinh-do-nao-post50911.html