Đào rừng của người dân tự trồng, vẫn được bán chơi Tết

DNVN – Đa số các loại đào rừng được mang về xuôi bày bán vào dịp Tết Nguyên đán đều là đào tự trồng. Việc cấm chặt đào rừng được hiểu là cấm chặt đào rừng tự nhiên. Theo đó, Thủ tướng không cấm chặt, khai thác cây đào, cây hoa mà người dân trồng. Thậm chí, những loại cây này đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thu nhập của người dân.

Đào rừng là một loại cây rất được người dân ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là người dân thủ đô Hà Nội. Hàng năm, cứ gần Tết là các cây đào này sẽ được chạy và chở về xuôi phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo,“Cần cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”.

Ý kiến này của Thủ tướng khiến nhiều người hiểu rằng, Tết nguyên đán năm 2021 rất có thể sẽ không được chơi đào rừng. Mặc dù chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục đích bảo vệ rừng khi tình trạng chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng núp bóng dưới nhiều hình thức. Nhưng cũng khiến dư luận xôn xao trong thời gian vừa qua.

Đào rừng được bày bán trên các tuyến phố của Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đào rừng được bày bán trên các tuyến phố của Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về.

Song trên thực tế, theo một số nguồn tin, đào rừng tự nhiên ở thời điểm hiện tại là vô cùng hiếm, gần như không có để bán trên thị trường. Hoặc nếu có thì giá sẽ vô cùng cao. Đa số, đào rừng được người dân mang về dưới xuôi bán vào dịp Tết là được người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc trông trong vườn và đồi của nhà, nhà nào cũng có. Với những người dân miền Bắc, việc bán đào rừng vào dịp Tết giúp họ có thêm tiền để lo cái Tết ấm cúng cho gia đình.

Cũng trong một buổi họp báo mới đây thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, việc cấm chặt đào rừng ở đây được hiểu là cấm chặt đào rừng ở rừng tự nhiên. "Vừa qua, chúng ta đã được nghe chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng. Ở đây muốn nói là nghiêm cấm việc phá đào ở trong rừng tự nhiên, chỉ được khai thác đào rừng mà người dân tự trồng".

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, người dân tự trồng đào rừng thì khuyến khích người dân phát triển kinh tế, chúng ta không cấm việc này. "Nếu chặt, bẻ đào rừng tự nhiên ảnh hưởng đến phát triển rừng, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan du lịch thì chúng ta cấm" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Việc cấm chặt đào rừng chơi Tết của Chính phủ thời gian qua đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Một phần của việc dư luận xôn xao này là do mọi người không hiểu rõ câu nói của Thủ tướng. Mới đây, ngày 12/1, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng; phòng chống rét cho vật nuôi tại tỉnh Lào Cai. Trong chuyến khảo sát này, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cho biết, ở một số địa phương tình hình lợi dụng cây cảnh, cây bóng mát nên có hiện tượng đào cả cây to trên rừng, chặt cây để chơi làm cảnh và trong đó không chỉ có cây đào. Thậm chí, có những vùng nông thôn, đô thị vẫn còn tục hái lộc bẻ cây, cành đầu năm…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thăm vườn đào của hộ dân ở Ô Quý Hồ (Sa Pa).

"Thủ tướng Chính phủ không cấm chặt, khai thác cây đào, cây hoa mà người dân trồng. Thậm chí, những loại cây này đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thu nhập của người dân. Qua khảo sát thực tế, ở Lào Cai cũng không còn đào trên rừng để chặt. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát, quản lý rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở… Về lâu dài, cây này có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn. Và có bàn tay của nghệ nhân chăm sóc thì cây có giá trị rất lớn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Lào Cai nghiên cứu có chương trình, vận động bà con làm chứng nhận xuất xứ đối với loại cây này vừa đảm bảo thương hiệu, giá trị, được nhà nước bảo hộ cho việc làm ăn chân chính, chống phân biệt đối tượng chặt trên rừng mang về.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/xa-hoi/dao-rung-cua-nguoi-dan-tu-trong-van-duoc-ban-choi-tet/20210113105343247