Đảo quốc này sẽ biến mất trong 50 năm nếu biến đổi khí hậu tiếp tục

Những bãi cát trắng lẫn cuộc sống của người dân Tuvalu đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng. Đây là một trong những nước dễ tổn thương do biến đổi khí hậu nhất.

Toàn cảnh đảo Fongafale của đảo san hô Funafuti chụp từ trên cao. Bức ảnh cho thấy rõ vì sao Tuvalu là một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu: lũ lụt, hạn hán và tẩy trắng san hô. Ảnh: Guardian.

Toàn cảnh đảo Fongafale của đảo san hô Funafuti chụp từ trên cao. Bức ảnh cho thấy rõ vì sao Tuvalu là một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu: lũ lụt, hạn hán và tẩy trắng san hô. Ảnh: Guardian.

Tuvalu là một quốc gia ở Nam Thái Bình Dương gồm nhiều đảo nhỏ và đảo san hô với tổng diện tích chỉ 26 km2, nằm rải rác trên 500.000 km² đại dương. Quốc đảo này đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ nhất thế giới. Điểm cao nhất của quốc đảo Tuvalu chỉ cao 5 m so với mực nước biển, khiến nó chịu tổn thương nặng nề từ mực nước biển dâng. Ảnh: Guardian.

Chính phủ Tuvalu cho biết mực nước biển gần quốc gia này đã tăng khoảng 5 mm mỗi năm kể từ năm 1993, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu. Ngoài ra, đảo quốc này đối mặt với nhiều vấn nạn khác như hạn hán, axit hóa đại dương và quản lý rác thải. Trong ảnh, những thân cây đổ rạp ở vùng nước nông của đảo san hô Funafuti. Ảnh: Guardian.

Xói mòn đất là hậu quả tất yếu đối với "số phận" của một quốc gia đảo san hô. Nước biển dâng cao, biển động cùng với điều kiện thời tiết cực đoan thường xuyên khiến vùng đất này ngày càng trở nên mong manh và dễ bị xói mòn. Trong ảnh, cây dừa bị đổ ở vùng nước nông của đảo san hô Funafuti. Ảnh: Guardian.

Có hơn 11.000 người sống ở Tuvalu, quốc đảo nằm giữa Hawaii và Australia. Trong ảnh, một phụ nữ đứng ở điểm hẹp nhất của đảo Fongafale. Bên trái là Thái Bình Dương, bên phải đầm phá ở trung tâm đảo san hô. Ảnh: Guardian.

Chính sách của chính phủ là khuyến khích người dân ở lại trên đảo, song nhiều người trẻ đã bỏ đi đến nơi khác. Trong ảnh là đợt sóng vỗ vào bờ của đảo san hô Funafuti. Ảnh: Guardian.

Một máy ủi đất bị bỏ lại ở biển Thái Bình Dương. Ảnh: Guardian.

San hô dưới biển ở đảo san hô Funafuti. Theo Liên Hợp Quốc, nhiều loài san hô rất dễ bị ứng suất nhiệt. Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ nước trung bình tăng 1 độ C sẽ khiến các rạn san hô bị chết, quá trình này gọi là tẩy trắng san hô. Tuvalu đang có một lượng nhỏ san hô bị tẩy trắng và dự kiến sẽ tăng lên. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự đoán rằng trong 30-50 năm tới, hiện tượng tẩy trắng san hô sẽ xảy ra hàng năm. Khi san hô chết, Tuvalu sẽ mất đi nguồn cá và protein. Ảnh: Guardian.

Một bộ máy hoen gỉ hơn 70 năm nằm giữa một trong những bãi biển của Tuvalu. Theo Guardian, nó đã bị các lực lượng Mỹ đóng quân trong Thế chiến II bỏ lại. Quốc đảo này từng là nơi sinh sống của khoảng 6.000 lính Mỹ, những người đã phát động các cuộc không kích chống lại các lực lượng Nhật Bản ở phía bắc. Đến nay, các thiết bị rỉ sét có thể được tìm thấy trên các hòn đảo. Chúng vẫn ở nguyên bị trí bị bỏ lại hàng thập kỷ trước. Ảnh: Guardian.

Một cậu bé bơi trong khu vực ngập nước gần đường băng sân bay ở Funafuti. Vào thời điểm này trong năm, sóng tràn vào bờ biển và nước cũng thấm qua mặt đất, tạo ra san hô lỗ. Hiện tượng tự nhiên này đặc biệt nghiêm trọng đối với Tuvalu, nơi điểm cao nhất chỉ cách vài mét so với mực nước biển. Khi mực nước biển dâng cao, thủy triều thường làm ngập lụt các phần của hòn đảo. Đây là vấn đề có khả năng gia tăng, khiến các khu vực rộng lớn không thể ở được. Ảnh: Guardian.

Một cậu bé ôm mặt trước con cá chết trên bãi biển ở Funafuti. Năm 2018, EU đã dỡ bỏ "thẻ vàng" đối với Tuvalu sau những nỗ lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu công nhận sự tiến bộ của Tuvalu trong việc giải quyết những thiếu sót trong quản lý thủy hải sản. Ảnh: Guardian.

Cuộc sống ở Tuvalu vẫn trôi qua bình dị, mối đe dọa của mực nước biển dâng cao không phải lúc nào cũng hiện hữu trong đời sống người dân. Tuy nhiên, chính phủ đã cảnh báo rằng quốc gia này có nguy cơ chìm xuống biển. Năm 2017, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Enele Sopoaga cho biết: "Nếu cộng đồng thế giới không chung tay đẩy mạnh các hành động để giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, Tuvalu sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 30-50 năm tới". Ảnh: Guardian.

Ôtô và người đi qua một bãi rác ở đầu phía Bắc của đảo Fongafale. Quản lý rác thải thường là vấn đề đối với một quốc đảo như Tuvalu, nơi nằm ở một góc xa xôi của đại dương Thái Bình Dương. Hiện tại, chất thải rắn được thu gom tại địa điểm duy nhất này, chỉ cách đầm phá trung tâm và đại dương vài mét. Ảnh: Guardian.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dao-quoc-nay-se-bien-mat-trong-50-nam-neu-bien-doi-khi-hau-tiep-tuc-post950871.html