Đạo Phật đã cho tôi những gì

Tôi cảm ơn đạo Phật đã cho tôi sống trong một môi trường tĩnh lặng.

Yên bình nơi chùa quê

Nơi tôi ở vừa trải qua những ngày nắng nóng kéo dài gần như từ suốt mùa xuân cho đến bây giờ là gần mùa hạ. Tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc vườn cây cho khu nội trú Ni của tu viện nơi tôi đang theo học. Sáng sáng tôi ra vườn tưới cây và chỉ trở vào khi nắng đã gắt. Có khi tôi phải tưới cả vào buổi chiều. Nắng nóng làm cho tôi có cảm tưởng đất và cây khát lắm, uống bao nhiêu nước cũng không đủ.

Kể ra thì cũng hài lòng khi được chăm sóc cho mảnh vườn xanh tốt bao gồm các bãi cỏ, những cây cảnh trong chậu, những cây khác trong vườn, và hai dãy lan đài các nở hoa đều đặn nhưng cần nước hàng ngày. Thấy hoa nở, nghe chim hót mỗi buổi sáng, (mà không, gần như là hót suốt ngày, nghe rất rõ vì giảng đường tạm đóng cửa tránh dịch Covid), hòa mình với thiên nhiên đất trời quả là một trải nghiệm dễ chịu.

Tuy nhiên tôi còn cảm thấy biết ơn cuộc đời hơn nữa, khi cuối cùng cơn mưa tôi mong đợi cũng đã tới. Tôi đã mong một cơn mưa có thể xoa dịu đi không khí nóng khô kéo dài gần ba tháng trời. Sáng nay trời mưa. Chao ôi, trời mưa. Tôi thấy làn mưa trắng thổi qua những cơn gió nhẹ mà mát rượi cả cõi lòng. Tôi thấy mưa đẹp làm sao. Cơn mưa như một phép màu.

Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo của một xóm cũng nghèo, từ một quê nghèo. Xóm tôi có một ngôi chùa vắng trụ trì. Nhưng vẫn có Gia đình Phật tử. Tuổi thơ tôi đã may mắn sớm được nhìn thấy màu áo lam của các anh chị, các bạn trong Gia đình. Tôi cảm nhận được không khí thanh lương từ Gia đình áo lam ấy mang lại, nhưng không có diễm phúc được tham dự vào.

Bốn tuổi, tôi phải ở nhà một mình trông nhà cho ba đi làm, cho mẹ nửa ngày đi dạy nửa ngày đi buôn. Lớn lên chút nữa, tôi theo mẹ đến trường học vì mẹ tôi là giáo viên tiểu học, thậm chí tôi không biết thế nào là lớp mẫu giáo. Tôi thấy một gia đình khá giả trong xóm có con trạc tuổi tôi được đi Gia đình Phật tử, được đi học mẫu giáo, và, được ăn cơm với xì dầu. Cái thứ nước đen đen tỏa ra một mùi thơm đạm bạc ấy, suốt thời thơ ấu tôi chỉ được nhìn và ao ước. Vì một lý do nào đó, ba mẹ tôi không đáp ứng nguyện vọng được ăn cơm với xì dầu của tôi, đến nỗi tôi nghĩ xì dầu là một món ăn xa xỉ của nhà giàu, nhà tôi nghèo tất nhiên không mua nổi xì dầu mà ăn rồi. Tôi là con gái út trong một gia đình sinh toàn con gái. Lam lũ nghèo hèn và đông con, vậy mà chén cơm của tôi bao giờ cũng có cá, thịt và trứng.

Tôi hoàn toàn không biết gì về đạo Phật. Thỉnh thoảng ba tôi cũng kể cho chị em tôi vài điều liên quan đến đạo, ví dụ như vì sao mẹ ngài Mục Kiền Liên bị đọa, vì sao ngài Mục Kiền Liên bị ngoại đạo đánh chết. Ba tôi còn dặn, khi ba chết thì không được khóc vì sẽ làm cho thần thức của ba quyến luyến với người thân mà không siêu thoát được, vân vân. Lúc ấy tôi đang còn nhỏ, mỗi lần chùa tổ chức văn nghệ để mừng lễ thì tôi cũng được dẫn đi xem.

Đến chùa, ấn tượng không bao giờ phai trong ký ức tôi là bức vẽ một người, mà sau này tôi biết là Thái tử Tất Đạt Đa, cưỡi ngựa, và phía dưới là dòng chữ: “Một cuộc thoát ly không tiền khoáng hậu”. Gia sản về đạo Phật trong tuổi thơ tôi chỉ có thế.

Tất nhiên tôi thuộc lòng câu chuyện Tấm Cám và những câu chuyện cổ tích khác có nhắc đến nhân vật Bụt. Nhưng tôi không biết đó chính là hình tượng Đức Phật trong tâm thức dân gian. Vào tuổi mười bảy, tôi vẫn nghĩ chùa là nơi dành cho những người không còn tha thiết gì đối với cuộc đời này nữa, nói cách khác, chán đời nên mới đi tu.

Mười tám tuổi, những gì tôi biết về đạo Phật là một mớ kiến thức rối rắm do môn triết học mang lại. Hai mươi tuổi, hiểu biết của tôi cũng không có gì khá hơn. Tôi nghĩ chùa là một nơi mà chỉ cần đến đó là tâm hồn sẽ được yên ổn, thanh tịnh trở lại. Sau khi thanh tịnh rồi thì tôi có thể trở lại cõi đời ngoài kia tiếp tục bay nhảy, lăn lóc.

Bạn sẽ cảm thấy hoang mang không biết tôi muốn nói gì, tôi đã nhận được gì từ đạo Phật. Có phải là tấm áo nâu sồng mà tôi đang khoác lên người với tư cách là một sư cô? Có phải là cuộc sống nhàn nhã, không cần làm ruộng vẫn có cơm ăn, không cần dệt vải cũng có áo mặc? Có phải là tấm thân nhàn hạ, chồng con không có, chó mèo cũng không?

Cái đầu tiên tôi nhận được từ đạo Phật đó là tình thương. Nếu bạn muốn hiểu tình thương là cho vui, cứu khổ trong nghĩa của chữ “từ bi” thì cũng được. Với tôi, tình thương đó nó bắt đầu lan tỏa từ không khí thanh lương mát mẻ và an lành mà tôi đã cảm nhận được qua sinh hoạt của Gia đình Phật tử tôi từng thấy trong thời thơ ấu. Và khi tôi thực sự bước chân đến cửa chùa, thì với tôi tình thương trên đời này là một điều có thật.

Tốt nghiệp đại học xong thì tôi bỗng dưng mắc chứng mất ngủ. Hơn thế nữa, tôi còn khóc lóc cả đêm, đôi khi còn la hét và đập phá. Dù đã nhận làm phóng viên nhưng tôi không viết nổi một đoạn tin ngắn. Lúc đó tôi đọc được quyển Hương trà tỏa ngát viết về tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc. Tôi ao ước được đến đó vì cảnh và người hiện lên qua cuốn sách quá dễ thương. Mẹ tôi bèn ra ngôi chùa làng thỉnh kinh sách về cho tôi tìm hiểu trước về đạo Phật. Tôi nhận được bao nhiêu là báo Giác Ngộ và đọc ngấu nghiến. Tôi cũng chép không biết bao nhiêu bản kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân. Và khi nghe bài Sám nguyện từ đĩa kinh Nhật tụng thiền môn của Làng Mai thì nước mắt tôi chan hòa như mưa mùa hạ:

Đệ tử phước duyên thiếu kém

Sống trong thất niệm lâu dài

Không được sớm gặp Chánh pháp

Bao nhiêu phiền lụy đã gây

Bao nhiêu lỡ lầm vụng dại

Vô minh che lấp tháng ngày…

Khi được đưa vào chùa, những ngày đầu tôi có chị gái ở cùng. Mẹ tôi gọi điện cho chị tôi hỏi xem tôi có ngủ được không. Chị tôi đáp: “Dạ nó ngủ ngon, ngáy khò khò”. Bệnh mất ngủ của tôi không thuốc mà tự khỏi. Tôi ngoan ngoãn và vui vẻ học kinh. Sư thầy khen tôi thông minh vì học Lăng nghiêm trong vòng hơn ba tháng (lúc đó tôi được gia đình gửi vào một ngôi chùa Tịnh độ). Nghĩ lại mà xấu hổ, tôi tưởng tôi giỏi thật nhưng có lẽ là sư thầy khen để động viên gia đình tôi. Một sư cô lớn nói với tôi: “Nhìn mặt em, chị biết em trầm cảm nặng lắm rồi”. Thế nhưng các vị vẫn khuyến khích tôi xuất gia.

Có lần đi ngang thấy tôi ngồi học kinh, sư thầy hoan hỷ lắm, ôm tôi vào lòng! Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu hết tấm lòng của bề trên, một mực muốn tôi xuất gia vì không muốn tôi khổ. Tình thương ấy chính là tình thương của Phật, Bồ-tát mà hàng phàm tục như tôi còn lâu mới biết được. Cuối cùng tôi cũng được xuất gia, đi trên con đường an toàn thong dong. Để thành một người xuất gia như hôm nay, tôi đã trải qua bao cuộc điều trị, nào là hầu cô đồng vì gia đình tưởng tôi bị ma nhập, nào là chữa nhân điện, nào là uống thuốc chống trầm cảm, nào là điều trị rối loạn lo âu, nào là liệu pháp tâm lý... Ôi thôi, tội nghiệp gia đình tôi, có bệnh thì vái tứ phương.

Cuối cùng nhờ “liệu pháp” thiền lạy danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm do các sư cô Làng Mai hướng dẫn, tôi đã bỏ được thuốc chống trầm cảm. Và trong tình trạng sức khỏe khá ổn định, tôi được bề trên cho xuất gia. Sự gia hộ của Tam bảo là có thật. Từ khi trở thành một người xuất gia, dù năng lực tu tập của bản thân chưa có, nhưng tôi luôn cảm nhận được năng lượng bình an trong tâm hồn mình. Tình thương trong đạo Phật là một điều có thật và tình thương đó mỗi ngày tôi càng nhận được nhiều hơn.

Tôi cảm ơn đạo Phật đã đem tôi về lại cho ba mẹ tôi. Bạn biết không, khi viết lại câu chuyện này, tôi vẫn cảm thấy đau lòng và hối tiếc. Ra trường, trong một lúc đau khổ cùng cực, tôi đã thốt lên lời oán trách mẹ tôi: “Sao mẹ lại sinh con ra làm gì”.

Sau này mẹ tôi kể lại, khi nghe tôi nói câu đó, ruột mẹ tôi như đứt từng đoạn. Còn ba tôi vốn là người ít nói mà lúc đó cũng đã lập tức nổi giận mắng tôi là đồ vô ơn. Trước lời trách mắng của ba, tôi nhớ lại một lời dạy của Sư ông Nhất Hạnh mà tôi từng đọc, rằng một người sở dĩ làm người khác đau khổ là vì người đó cũng đang đau khổ. Nên tôi thưa với ba tôi rằng, tôi nói như vậy là vì tôi đau khổ quá. Nhưng mặc cảm làm cho ba mẹ khổ đau vẫn còn trong tôi. Cho đến khi tôi đọc được kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, tôi nghĩ rằng không một bài văn nào viết về ba mẹ mà hay như bản kinh ấy. Lần đầu tiên tôi được học về lòng biết ơn mẹ một cách đầy đủ như thế. Cho nên sau khi từ chùa trở về, tôi đã quỳ lạy sám hối và tri ân ba mẹ tôi đã sinh ra tôi. Lúc đó ba mẹ tôi dạy rằng: “Là con đau ốm, ba mẹ không trách con nữa đâu”.

Tôi cảm ơn ba mẹ tôi đã đưa tôi đến với đạo, nhưng cũng cảm ơn đạo Phật đã dạy cho tôi biết về đạo làm con. Nếu không những đổ vỡ tôi gây ra không biết sẽ lớn thế nào. Cũng trong những ngày đau khổ, chính kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân là lối thoát cho tôi. Vì những lời dạy của Đức Phật cho tôi thấy rằng trên cuộc đời này có cách để được hạnh phúc. Với một người đau khổ, không có từ nào có ý nghĩa hơn là từ “hạnh phúc”.

Tôi cảm ơn đạo Phật đã cho tôi lý tưởng. Tôi đã sống trên đời ba mươi năm mà không biết lý tưởng đời mình là gì. Trong những đêm mất ngủ, bị bệnh tật giày vò, tôi nói với mẹ, “Mẹ ơi, mẹ cho con một lý tưởng được không”. Rồi tôi lại hỏi mẹ, “Mẹ ơi, con là ai?”. Mẹ tôi thơm tôi mà rằng, “Con là con của mẹ”. Có lúc tôi nghĩ, nếu như tôi không trở thành người xuất gia mà tiếp tục làm một người bình thường, liệu tôi có sống hạnh phúc hơn bây giờ. Xuất gia, tôi cũng có những khó khăn, những khổ đau. Nhưng có lẽ mục đích cuối cùng mới quyết định được phẩm chất cuộc sống của tôi. Làm một người bình thường nghĩa là hạnh phúc của tôi chỉ là sắc đẹp, là miếng ăn ngon, là giấc ngủ đầy, là tiền của và danh vọng. Tôi đã từng là một học sinh giỏi nhưng tôi không biết tôi là ai.

Tôi đã chạy theo ngũ dục đến mệt nhoài, đến bệnh hoạn. Nếu tôi tiếp tục chạy theo thì tôi cũng sẽ tiếp tục mệt nhoài và bệnh hoạn. Sự ra đời của Đức Phật với tôi như là một tin vui. Đến với đạo Phật, tôi biết rằng mục đích của con người là để trở thành một người lương thiện, một người tốt đẹp. Hơn thế nữa, thành một người sống vì hạnh phúc của người khác, vì để tri ân và đền ân người khác. Ngày tôi được dạy phát tâm Bồ-đề, tôi tưởng đời mình không còn lý tưởng nào đáng để tôi sống vì và chết vì hơn nữa: “Chúng sanh sung mãn hư không giới, phiền não sung mãn khắp chúng sanh, ác nghiệp sung mãn khắp phiền não, khổ bức sung mãn khắp ác nghiệp. Những chúng sanh đang chịu khổ kia đã từng là cha là mẹ của mình, tất cả đều có ơn nặng với mình. Mình phải làm gì để họ an lạc đây? Hiện giờ, tôi không có khả năng gì để cứu giúp họ được cả. Vì vậy, để lợi ích cho những chúng sanh này, tôi phải chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, để làm lợi lạc khắp chúng sanh”.

Con đường đi thật xa và khó vô cùng. Tôi chưa từng thấy có việc gì khó khăn như tu hành. Nhưng tất cả là lựa chọn. Nếu được lựa chọn một lần nữa, tôi cũng xin được làm một người xuất gia. Vì tôi có cơ hội để nhìn lại cuộc đời mình, để lắng lòng mình mà nhìn thật lâu, thật sâu, thật kỹ, thật rõ. Tôi chưa nhìn ra được gì ngoài những khổ đau lớn nhỏ của mình. Trong cuộc sống xuất gia, tôi cũng có những nỗi đau khổ. Đó là cách để tôi đồng cảm với người khác. Đó là cách để tôi biết kính trọng người khác, kính trọng nỗi đau khổ của họ. Đó là cách để tôi ôn lại lời dạy của Đức Phật: Có đau khổ, có nguyên nhân của đau khổ, có khổ diệt và có con đường diệt khổ. Đúng chăng, nếu như bạn không muốn diệt khổ thì bạn cũng không nên than rằng khổ quá? Cũng từ những đau khổ của mình, tôi đã học được rằng, một người dù xấu xa đến đâu thì trong họ vẫn tồn tại một lương tâm sáng suốt, phản chiếu tất cả những gì họ làm. Tôi học cách kính trọng cái sáng suốt trong họ, và kính trọng cái sáng suốt trong tôi.

Tôi cảm ơn đạo Phật, nhất là những lời dạy của Sư ông Làng Mai, đã giúp cho tôi biết thương mình và thương người trong những lúc đau khổ cùng cực. Nếu người trầm cảm chỉ muốn tự sát để thoát khỏi nỗi đau khổ khủng khiếp như một cách tự trừng phạt chính mình, thì nhờ đọc sách của Sư ông, tôi đã biết thương chính mình và dừng lại. “Sở dĩ một người làm ta đau khổ là vì chính người đó cũng đang đau khổ. Anh ta không đáng bị trừng phạt. Anh ta cần được giúp đỡ”. Những lời dạy này làm ứa ra trong tim tôi giọt nước của từ bi, thương yêu và tha thứ.

Là con nhà nghèo nhưng vì là con út, lại chậm chạp nên tôi đã lớn lên như một tiểu thư vô dụng, ăn rồi chỉ biết sách vở. Sau năm tháng tu tập ở một trung tâm của Làng Mai, tôi đã làm bạn tôi ngạc nhiên. Tôi nối ống nước để ba tôi tưới cây, và ông nhận xét tôi cột dây còn chắc hơn cả ông làm nữa. Từ chỗ không có giọng, tôi biết hát và hát thật khỏe. Từ chỗ không viết ra văn, tôi đã viết được những bài văn truyền cảm hứng tích cực cho người khác. Tôi cảm ơn đạo Phật đã dạy cho tôi biết sống đời tự lập. Không phải vào chùa là mình được thanh tịnh mà sự thanh tịnh ấy đến từ nỗ lực cá nhân.

Tự mình làm thanh tịnh

Tự mình làm nhiễm ô

Tịnh, không tịnh tự mình

Không ai thanh tịnh ai.

(Kinh Pháp cú)

Như tôi từng chia sẻ, tôi đã nghĩ chán đời mới đi tu. Nhưng từ những tu viện Phật giáo, tôi đã biết cách sống yêu đời, yêu sự sống. Tôi được dạy cách trân trọng mọi thứ trong cuộc đời, trong đó có mạng sống của chính tôi. Nhất là từ trung tâm thiền tập của Tăng thân Làng Mai, tôi được học cách chơi với thiên nhiên. Cơn mưa tôi mô tả ở đầu bài viết này không tự nhiên mà xuất hiện dưới ngòi bút của tôi. Nó đến từ tình yêu đời, yêu cuộc sống của một tu sĩ. Người tu sĩ ấy khi chưa đi tu đã từng bị trầm cảm, đã từng rất chán đời! Thì giờ đây tôi biết ơn ánh sao hôm, biết ơn tia nắng sớm, tôi vui khi nghe tiếng chim, xem hoa nở, tôi thấy bình yên khi ngắm bãi cỏ xanh...

Đời tu sĩ có tình yêu không em nhỉ?

Nếu nói không là gỗ đá vô tri

Nếu nói có là một kẻ tình si.

Tôi có tình yêu rất đượm nồng

Yêu đời yêu đạo lẫn non sông

Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ

Đâu thể yêu riêng khách má hồng.

Tôi không cám ơn đạo Phật đã cho tôi một cuộc sống có vẻ nhàn nhã, không vướng bận lo toan, tôi chỉ cảm ơn đạo Phật đã đem đến cho tôi cuộc sống đó để tôi sống một cuộc đời xứng đáng với những gì tôi nhận được. Và tôi cảm ơn đạo Phật đã giúp cho tôi có khả năng buông bỏ. Từ chỗ không lo cơm áo gạo tiền, không lo chồng con nội ngoại, tôi tập buông bỏ cái tôi của mình.

Thật lòng mà nói, trong tôi không có một hình mẫu nào để tôi hướng đến ngoài Đức Phật. Tôi thấy mình chỉ là một kẻ phàm tục, có lẽ còn tệ hơn cả phàm tục nữa, nhưng có lẽ Đức Phật cũng không ngăn cản một người hạ liệt hướng đến Ngài với mong muốn được trở nên như Ngài. Đức Phật trong tôi là một người đã từ bỏ tất cả những gì thế gian tìm kiếm và Ngài đang có đủ, để trở thành một người tự do với những dục vọng của mình, để trở thành một người cao thượng. Còn tôi, dẫu biết rằng không phải ai cũng có thể làm một người con Phật, tôi cũng xin nguyện học theo tấm gương của Ngài.

Tôi cảm ơn đạo Phật đã cho tôi sống trong một môi trường tĩnh lặng. Một môi trường lý tưởng để nhìn rõ chính mình. Đau khổ vẫn còn đó, tập khí vẫn còn kia. Nhưng chỉ cần có Đức Phật, phải chăng tôi vẫn còn có hy vọng? Và phải chăng còn biết ơn là tôi còn hạnh phúc?

Tuệ Anh

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//nguyetsan/phathocungdung/2020/10/09/165688/