Đảo ngược cục diện Syria, Nga đọ sức Mỹ tại đấu trường Trung Đông

Matxcơva có một chiến lược rõ ràng ở Trung Đông và chiến lược này đang tỏ ra khá hiệu quả, mặc dù bị cản trở nghiêm trọng do Nga thiếu nguồn lực tổng thể để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Trong khi đó, Washington mặc dù có nguồn lực dồi dào, nhưng lại thiếu một chiến lược rõ ràng. Đây chắc chắn là một cuộc đọ sức đầy hấp dẫn, tổ chức Jamestown nhận định.

Tổng thống Vladimir Putin đến thăm căn cứ quân sự Hmeymim (ảnh: AP)

Tổng thống Vladimir Putin đến thăm căn cứ quân sự Hmeymim (ảnh: AP)

Ngày 11/12/2017, Tổng thống Vladimir Putin đã đáp máy bay xuống Hmeymim, căn cứ quân sự chiến lược của Nga ở Syria, trong một chuyến thăm mà tin tức chỉ được đăng tải sau khi chuyên cơ của ông đã an toàn trên đường bay tới Ai Cập.

Để ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin trái phép, các nhà báo trong đoàn báo chí tháp tùng tổng thống đã bay trực tiếp tới Cairo. Cơ quan báo chí điện Kremlin đã cung cấp tất cả các bản tin và đoạn phim về chuyến viếng thăm chớp nhoáng của tổng thống tại Hmeymim. Các nhà báo Nga không được phép lên chuyên cơ của tổng thống, mà được chuyên chở bằng một máy bay riêng (Kommersant, 12/12/2017).

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad (ảnh: Yahoo Finance)

Tại Hmeymim, ông Putin đã có cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đứng đầu chính quyền mà nhờ có nỗ lực tham chiến của Nga và Iran mới không bị sụp đổ. Ông Putin đã tuyên bố chiến thắng trước tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), cảm ơn các phi công và binh sĩ Nga, đồng thời ra lệnh rút phần lớn quân đội Nga khỏi Syria. Ông chủ điện Kremlin còn tuyên bố: "Nếu những kẻ khủng bố dám ngóc đầu dậy một lần nữa", thì Nga sẽ tiêu diệt chúng với một sức mạnh mà chúng chưa bao giờ thấy trước đây.

Chỉ huy lực lượng vũ trang Nga ở Syria, tướng Sergei Surovikin (người gần đây được thăng chức thành Chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga-VKS), cho biết Nga đã rút về nước 23 máy bay chiến đấu các loại, 2 trực thăng chiến đấu, một tiểu đoàn quân cảnh, một bệnh viện dã chiến, cùng với các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm và công binh. Những lực lượng này về nước bằng đường hàng không, và máy bay đã bay đến các căn cứ nằm trên nước Nga. Nga vẫn duy trì các căn cứ tại Hmeymim và Tartus nằm bên bờ Địa Trung Hải của Syria. Các đơn vị đồn trú và nhân viên hỗ trợ sẽ tiếp tục ở lại, ngoài ra không có tin tức gì nói đến việc vận chuyển bất cứ một thiết bị quân sự hạng nặng nào ra khỏi Syria bằng đường biển (Interfax, 12/12/2017). Một số quyết định rút quân có thể chỉ là một phần của kế hoạch luân chuyển lực lượng thường xuyên.

Matxcơva đã từng tuyên bố chiến thắng và thông báo rút quân khỏi Syria trước đây. Ngày 14/3/2016, trong một động thái gây bất ngờ, ông Putin đã tuyên bố sứ mệnh quân sự của Nga tại Syria "phần lớn đã hoàn thành" và ra lệnh ngay lập tức rút phần lớn lực lượng khỏi Syria. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn tiếp diễn và thực tế Nga đã tăng cường hiện diện quân sự tại Syria.

IS đã bị đánh bại ở Iraq và Syria, mặc dù lực lượng này chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại như là một tổ chức khủng bố theo kiểu du kích. Các quan chức Nga tuyên bố họ là những người chiến thắng duy nhất, với sự hỗ trợ từ lực lượng của ông Assad; trong khi những nỗ lực của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu bị coi là không liên quan.

Thượng tướng đã về hưu Viktor Bondarev, người chỉ huy VKS trong hầu hết các chiến dịch tại Syria và gần đây được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện, đã buộc tội Mỹ và cái gọi là "liên minh chống khủng bố" ủng hộ phe đối lập Syria và giúp đỡ những kẻ khủng bố. "Người dân và chính phủ Syria không hề mời người Mỹ, sự hiện diện của họ tại Syria là bất hợp pháp và là một mối đe dọa an ninh", ông Bondarev nhấn mạnh, "Người Mỹ có thể tạo ra các phần tử cực đoan và khủng bố mới, nhưng việc Nga tiếp tục hiện diện tại Syria có thể giúp ổn định tình hình" (Militarynews.ru, 12/12/2017).

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria chủ yếu là để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Đánh bại IS và các phần tử Hồi giáo cực đoan khác cùng với Iran và liên minh dân quân đồng minh tuy có ý nghĩa quan trọng nhưng vẫn là nhiệm vụ thứ yếu đối với Matxcơva. Vào tháng 5/2017, phát biểu tại phiên họp thượng viện, Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định thắng lợi chiến lược quan trọng mà Nga đạt được trong chiến dịch ở Syria là thành lập lực lượng quân sự hùng mạnh "ở sườn nam của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), đã làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực chiến lược trong khu vực". Trong bài phát biểu, ông Shoigu còn lên tiếng kêu gọi người Nga không làm ngơ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ “các hoạt động của NATO ở biên giới nước Nga” (Mil.ru, 24/5/2017).

Chuyến viếng thăm bất ngờ của ông Putin đến Hmeymim và việc truyền thông đại chúng thổi phồng về chiến thắng của Nga cho thấy chiều hướng nội bộ rõ ràng. Cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ được tổ chức vào tháng 3 tới, và mặc dù việc ông Putin tái đắc cử gần như đã được đảm bảo ở một đất nước có hệ thống chính trị như Nga, điện Kremlin vẫn muốn tối đa hóa số phiếu bầu và sự nhiệt tình ủng hộ ông Putin của người dân (EDM, 7/12/2017).

Tuy nhiên, tuyên bố chiến thắng trước IS, làm Mỹ bẽ mặt và thông báo quân đội sẽ về nước, tất cả trong một ngày, là một thành công trong quan hệ công chúng. Để tăng thêm ảnh hưởng, quân đội Nga đã thông báo di chuyển các máy bay ném bom hạng nặng Tu-22M3 Backfire từ căn cứ không quân Mozdok tại thảo nguyên thuộc miền bắc Caucasus đến các căn cứ thường trực tại tỉnh Kaluzhskaya, Irkutsk và bán đảo Kola khi các máy bay này "chiến thắng trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Syria" (Interfax, 12/12/2017). Trong tháng 11/2017, các oanh tạc cơ Tu-22M3 đã thực hiện 84 lần xuất kích từ Mozdok, tiến hành ném bom tiêu diệt các cứ điểm của IS ở tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria. Các phi hành đoàn sau đó đã được chào đón long trọng khi trở về các căn cứ trong nước (Militarynews.ru, 12/12/2017).

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 Nga (ảnh: politikus.ru)

Tu-22M3 ném bom tiêu diệt phiến quân IS ở Syria (ảnh: the Aviationist)

Tại Cairo, sau cuộc gặp ngắn giữa ông Putin với Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, hai bên đã ký kết một hợp đồng trị giá 21 tỷ USD để Nga xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ai Cập. Matxcơva sẽ cấp hạn mức tín dụng chiếm khoảng 85% chi phí dự án. Hai bên cũng đi đến một thỏa thuận để nối lại tuyến đường hàng không giữa Nga và Ai Cập, vốn bị ngưng lại từ năm 2015 sau khi một máy bay chở khách của Nga bị phá hủy hoàn toàn khiến 224 người thiệt mạng tại bán đảo Sinai do một quả bom gài trên máy bay phát nổ.

Ai Cập hy vọng việc nối lại đường bay có thể làm lượng khách du lịch Nga đến nước này tăng lên (Kommersant, 12/12/2017). Từ Cairo, ông Putin đã bay đến Ankara (tất cả đều diễn ra trong ngày 11/12), và sau khi họp với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hai bên đã đạt được một thỏa thuận về việc Nga sẽ cấp một khoản tín dụng cho Thổ Nhĩ Kỳ mua 2 "tổ hợp" tên lửa phòng không S-400 tối tân của Nga (Militarynews.ru, 11/12/2017).

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga (ảnh: taringa)

Matxcơva dường như đang ở một vị thế tốt nhất để có được những mối quan hệ khả thi với hầu hết các phe đối lập trong khu vực và đã thiết lập được vị thế của mình như một trung gian và lực lượng không thể thiếu ở Trung Đông (EDM, 27/11/2007).

Matxcơva có một chiến lược rõ ràng ở Trung Đông và chiến lược này đang tỏ ra khá hiệu quả, mặc dù bị cản trở nghiêm trọng do Nga thiếu nguồn lực tổng thể để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Trong khi đó, Washington mặc dù có nguồn lực dồi dào về quân sự và các mặt khác, nhưng lại thiếu một chiến lược chặt chẽ và rõ ràng ở Trung Đông để có phản ứng tốt nhất trước các tình huống. Đây chắc chắn là một cuộc đọ sức đầy hấp dẫn, Jamestown nhận định.

Hồng Nhung

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/dao-nguoc-cuc-dien-syria-nga-do-suc-my-tai-dau-truong-trung-dong-154403.html