Đảo ngập là tại... ông trời?

Tình trạng ngập lụt nặng nề của Phú Quốc như lên tới đỉnh điểm khi sân bay trên hòn đảo ngọc này phải đóng cửa do đường băng bị ngập sâu hàng chục cm khiến hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt.

Thời gian đóng cửa sân bay, dù chỉ một ngày, song đã làm đảo lộn lịch bay của nhiều hãng hàng không cũng như lịch trình đi lại của hàng ngàn du khách, trong đó, có không ít du khách quốc tế. Việc sân bay Phú Quốc bị đóng cửa do tình trạng ngập lụt đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của "đảo ngọc" du lịch này.

Hoạt động du lịch cũng như cuộc sống thường nhật của người dân trên đảo Phú Quốc đã bị đảo lộn ít nhiều từ cả tuần nay vì tình trạng ngập nặng. Có lẽ chưa lần nào mà Phú Quốc bị ngập nặng tới như vậy. Những trận mưa như trút từ hơn tuần trước đã làm cho nhiều khu dân cư trên đảo bị ngập, có nơi ngập sâu ngang đầu người. Mưa lũ còn "nhấn chìm" khoảng 34 km đường trong độ sâu trung bình 0,6 m, có nơi sâu tới 1,5 m.

Việc nhiều nơi ở Phú Quốc biến thành "đảo ngập" được lý giải do mưa quá lớn trong khi tình trạng hệ thống thoát nước cũ, đã có từ hàng chục năm trước. Đúng là lượng mưa trút xuống Phú Quốc những ngày qua quá lớn, theo như ghi nhận của cơ quan khí tượng, lên tới trên 1.100 mm trong 1 tuần, từ ngày 2 đến ngày 9-8. Trong đó, có những trận mưa cực đoan với lượng mưa đạt 335 mm từ 19 giờ ngày 8-8 đến 13 giờ ngày 9-8 đã đạt 335mm, tức chưa đầy 24 giờ.

Tuy nhiên, mưa lớn chỉ là một nguyên nhân và là nguyên nhân khách quan khiến Phú Quốc bị ngập nặng. Nguyên nhân chủ quan được cho là do quy hoạch và trật tự xây dựng.

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, Việt Nam đã được cảnh báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến cường độ và mức độ của bão tố, lũ lụt… tăng đột biến. Điều này các cơ quan hữu trách nước ta đều đã biết và phải lường trước, trong đó có việc quy hoạch đô thị, khu dân cư. Vậy điều này đã được nhìn nhận và thực hiện ra sao tại Phú Quốc? Tầm nhìn quy hoạch tại Phú Quốc ra sao trong vấn đề này?...

Những ai từng đến Phú Quốc đều không khỏi ngỡ ngàng trước tốc độ xây dựng trên hòn đảo này. Sự tăng trưởng phi mã về lượng khách du lịch, kèm theo đó là những người tới Phú Quốc sinh sống đã đẩy tốc độ xây dựng các cơ sở lưu trú, dịch vụ, đường sá… phát triển với tốc độ chóng mặt. Tốc độ tăng trưởng nóng về xây dựng lẫn du lịch, với 4 triệu lượt khách vào năm 2018, gấp tới 40 lần số cư dân trên đảo, đã khiến không ít người lo ngại về điều mà họ cho là bê-tông hóa. Trong quá trình đô thị hóa quá nóng này, trật tự xây dựng được bảo đảm ra sao? Liệu có sự phá vỡ, thậm chí xem thường quy hoạch, dẫn tới sự phát triển lệch lạc về cơ sở hạ tầng? Đây có phải là nguyên nhân "tiếp tay" cho hậu quả thiên tai thêm nặng nề ở Phú Quốc những ngày qua.

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều lợi thế để đảo ngọc Phú Quốc vươn lên thành điểm đến du lịch tầm cỡ không chỉ của Việt Nam, khu vực mà cả thế giới. Kỳ vọng, mục tiêu lớn này bao giờ thành hiện thực nếu tầm nhìn quy hoạch cũng như thực tế trật tự xây dựng đã để đảo ngọc thành… đảo ngập?

PHẠM DƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dao-ngap-la-tai-ong-troi-20190810224639469.htm