Đào, mai, quất mang đến sự may mắn, tài lộc cho năm mới

Tại phường Tứ Liên và Quảng An (Quận Tây Hồ - Hà Nội ), cứ mỗi năm đến dịp Tết Nguyên Đán, khách các nơi lại đổ về làng hoa ở đây để chụp ảnh, thưởng thức. Ngoài ra, khách còn mua đào, mai và quất về chơi Tết. Với người Việt, những thứ cây này là biểu trưng cho bội thu, may mắn, bình an và hạnh phúc.

Hoa đào: biểu trưng cho sự đổi mới, phát triển. Ảnh: Huyền.

Hoa đào: biểu trưng cho sự đổi mới, phát triển. Ảnh: Huyền.

Đào Nhật Tân có giá gần trăm triệu đồng

Năm nay, giá đào, mai, quất cao hơn so với năm ngoái, nhưng cũng không quá đắt để chúng ta có thể tìm cho gia đình mình một cây quất hay cành đào chơi Tết. Như quất bonsai được trồng trong bình gốm có giá tầm trung từ 1-2 triệu đồng một cây, còn các cây nhỏ trong rổ có giá trung bình 200 nghìn đồng một cây, quất để bàn có giá 500 nghìn đồng.

Theo một chủ vườn ở Tứ Liên, đào Nhật Tân trong chậu có giá trung bình từ 3 triệu đồng, có gốc lên đến gần cả trăm triệu đồng, như gốc cành liền lâu năm (tức không ghép). Giá các loại cây sẽ hơn thua nhau một giá tiền không đáng kể tùy vào từng chậu xấu hay đẹp. Còn những cành đào có gốc tầm 2 – 3 năm, có giá bán sỉ rơi vào khoảng 200 đồng – 1 triệu đồng, tùy theo giá từng cành.

Đào rừng có giá dao động từ 3 - 10 triệu đồng tùy dáng, tùy dăm, nụ hoa và tùy vào từng gốc đào đẹp hay xấu. Một người bán đào cho biết: “Hoa đào năm nay nở sớm hay muộn là do thời tiết, thời điểm này là quan trọng nhất, giai đoạn tuốt lá, chăm sóc, tưới nước thì mất cả năm, nhưng quan trọng nhất vẫn phải phụ thuộc vào thời tiết”.

Hoa đào: biểu trưng cho sự đổi mới, phát triển

Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị cho mình cây đào, quất, mai, trong đó, hoa đào lại gắn bó với người miền Bắc, thì hoa mai lại gắn bó với người miền Trung và miền Nam. Từ lâu, hoa mai và hoa đào đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của người Việt.

Cây đào được trồng nhiều ở vùng ôn đới, nơi có khí hậu ôn hòa, Loại hoa này xuất hiện nhiều ở vùng Bắc Bộ. Điều này dễ hiểu bởi phía Bắc năm nào cũng đón những đợt gió mùa lạnh. Mùa xuân về, các bản làng vùng cao hay thủ đô lại tràn ngập màu sắc hoa đào.

Đào có rất nhiều giống, nhưng tất cả đều có vẻ giống nhau về thân, cành, lá và hình dáng của hoa. Cánh đào mịn màng như đôi má, đôi môi người thiếu nữ. Nụ hoa nhú lên màu hồng phai trông rất đẹp. Cuối đông, cây đào bao giờ cũng rụng hết lá. Cành đào khẳng khiu chống chọi với gió đông. Chỉ khi có mưa phùn, có nắng đẹp, đào bắt đầu ra nụ, đơm hoa.

Hoa đào thường nở 4-5 ngày thì tàn. Hoa đào nở vào cuối mùa đông. Đào mọc thành từng bông riêng lẻ chứ không mọc thành chùm. Để có được cành đào đẹp chơi trong ngày tết phải chăm bón rất công phu và phải rất tỉ mỉ.

Tên khoa học của đào là Prunus Persica. Có bốn giống đào chính. Giống đẹp nhất có lẽ là bích đào. Bích Đào có nhiều cánh xếp chồng lên nhau mang màu hồng thẫm. Bích đào được trồng để lấy hoa.

Giống thứ hai là giống đào phai, hoa có năm cánh, cánh màu phớt hồng. Đào phai sai hoa sai quả, được trồng để lấy quả. Giống đào bạch hiếm thấy, cây nhỏ ít hoa có màu trắng tinh khiết. Đào thất thốn có hoa màu đỏ thẫm, khó trồng, khó chăm sóc.

Điều đặc biệt là hoa đào bao giờ cũng chờ ngày mùng một tết để đua nhau nở rộ. Đào khoe sắc tỏa hương ngày Tết là báo hiệu một năm đã qua, một năm nữa lại về. Với hoa đào trong Tết cổ truyền Việt Nam, thì những cánh đào hồng tươi gói ghém tâm hồn con người Việt, gói ghém cả niềm hi vọng về những điều mới mẻ sắp đến.

Có lẽ vì thế mà hoa đào trở thành một nét đẹp văn hóa trong tết cổ truyền dân tộc. Với người Việt, hoa đào là loài hoa tượng trưng cho may mắn, bình an và hạnh phúc. Người ta cắm những cành đào hồng tươi giữa nhà vào dịp tết đến để cầu mong mọi sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ.

Mai có hai loại là mai tứ thời và mai tết. Mai tứ thời cho hoa suốt bốn mùa, cái tên tứ thời có lẽ là vì lí do đó. Mai tết cả năm cho hoa đúng vào dịp tết, hoa nở rực rỡ cả cây, cũng vì thế mà nhiều người bắt đầu chơi mai khi tết sắp về.

Hoa mai: Biểu trưng cho sự sum họp. Ảnh: Huyền.

Để có mai nở vào đúng dịp tết, người chăm sóc cần có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Vào những ngày rằm tháng chạp (trước tết nửa tháng), người chơi mai đều trảy hết tất cả lá trên thân và bấm hết đọt để giúp cây rực rỡ hơn khi nở rộ.

Với những vùng có thời tiết lạnh thì phải trảy lá trước một tháng để cây nở hoa đúng dịp. Mai không nở một lúc mà từ từ, ngày đầu thì chỉ một vài nụ, ngày sau tăng gấp đôi, rộ nhất là ngày thứ ba, tư, năm, sau đó ít dần nhưng cũng kéo dài mỗi đợt phải đến nửa tháng.

Hoa mai tượng trưng cho hy vọng, báo hiệu những điều an lành, hạnh phúc, may mắn đến cho con người. Là thời điểm gia đình sum họp, cho nhau những câu chúc bình an.

Hoa mai còn là biểu trưng cho sức sống của mùa xuân. Mai thường là năm cánh, thế nhưng bằng phương pháp kĩ thuật hiện đại ngươi ta có thể cho hoa nở từ năm đến mười bảy, mười tám cánh. Ngoài hai màu vàng và đỏ người ta còn có thể lai ghép thành màu trắng, cùng một cây mai nhưng có đủ ba màu. Nhưng người chơi mai truyền thống vẫn đều thích màu vàng.

Quất: biểu trưng cho phú quý, sức khỏe

Mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa đón tết, mọi nhà đều trang trí cho ngôi nhà của mình thêm cây quất với niềm hy vọng gặp may mắn cho cả gia đình trong năm mới.

Quất: biểu trưng cho phú quý, sức khỏe. Ảnh: Huyền.

Những cây quất lá xanh tốt, cành trĩu quả luôn mang lại điềm lành. Trong dân gian có quan niệm quất là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình.

Theo phong thủy, bài trí cây quất hợp lý trong nhà mang đến may mắn cho cả gia đình. Trong kinh doanh, đặt cây quất ở văn phòng hoặc ở cửa hàng sẽ mang về tài lộc và sự sáng suốt trong kinh doanh.

Cũng theo thuyết phong thủy, mệnh của mỗi người khác nhau, nhưng quất lại có được các yếu tố ngũ hành: như kim (hoa màu trắng) sinh thủy (lá xanh đậm), thủy sinh mộc (thân cây), mộc sinh hỏa (quả chín màu cam), hỏa sinh thổ (đất trong chậu) và thổ sinh kim (hoa màu trắng), nên phù hợp với nhiều người.

Mùa xuân tiếp nối mùa xuân, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, cuộc sống có vô vàn sự thay đổi nhưng hoa đào, hoa mai, quất vẫn không thể thiếu trong mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc ta.

Đổng Thắng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dao-mai-quat-mang-den-su-may-man-tai-loc-cho-nam-moi-66603