Đạo lý giản đơn

Một cô giáo tiểu học ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã chủ động lên mạng tìm người chuyển nhầm vào tài khoản của mình 1,9 tỷ đồng.

Cô giáo đó đứng bán trong cửa hàng của gia đình và có khách mua món hàng trị giá 1,9 triệu đồng nhưng chuyển thành 1,9 tỷ mà không hề hay biết, chỉ sau khi đọc được thông tin này thì mới biết, người khách đã đến cửa hàng và cô giáo đã hoàn trả đầy đủ cho họ.

Cách ứng xử của cô giáo là rất đỗi bình thường đối với những người trung thực, trọng đạo lý và đặc biệt là không tham lam. Tuy nhiên, hành xử của cô giáo khiến nhiều người nể phục, cảm mến và được coi là một việc tốt, truyền cảm và lan tỏa hơn bất cứ bài giảng đạo đức nào về nhân cách làm người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hành xử như vậy khi bất ngờ nhận được những khoản tiền từ “trên trời rơi xuống”. Đã có trường hợp chuyển nhầm vào tài khoản của người khác 300 triệu, sau khi phát hiện mình chuyển nhầm đã báo ngân hàng nhưng không nhận được sự giúp đỡ tích cực, tìm mọi cách để có số điện thoại người nhận tiền nhưng họ bất hợp tác, cuối cùng, phải nhờ đến Công an địa phương người nhận tiền trợ giúp và người này đòi phải cho mình 5 triệu thì mới trả số tiền trên.

Lợi dụng và đánh vào lòng tham, nhiều kẻ lừa đảo thực hiện thủ đoạn chuyển nhầm tiền để cho vay nặng lãi, người nhận im lặng khi được chuyển khoản một món tiền rồi sau đó bị “hỏi thăm” bằng những lời lẽ sặc mùi “xã hội đen” và phải trả lãi “cắt cổ”. Hoặc, chúng giả vờ chuyển nhầm tiền để mượn cớ liên lạc, xin lại tiền đồng thời lấy những thông tin cần thiết chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà “khổ chủ” có trong tài khoản.

Việc cố tình chiếm đoạt số tiền do chuyển khoản nhầm là hành vi vi phạm luật hình sự, có thể phải chịu hình phạt tù nhưng có những trường hợp cố tình không hiểu luật, nảy sinh lòng tham “ngậm miệng ăn tiền” hoặc khi biết không trả không được thì đòi hỏi người chuyển nhầm phải chi “bồi dưỡng” mới chịu trả.

Cũng như nhặt được của rơi thì đương nhiên phải trả lại cho người mất, được (hoặc bị) chuyển khoản nhầm cũng vậy, một nguyên tắc đạo lý đơn giản “không phải của mình thì không lấy”. Nếu hành xử khác đi thì đó là biểu hiện của sự thiếu văn hóa, không tôn trọng đạo lý và bị điều khiển bởi lòng tham mà có những xử sự đáng chê trách.

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dao-ly-gian-don-post461972.html