Đạo luật Magnitsky Mỹ dự định trừng phạt Ả Rập Xê Út là gì và sẽ được áp dụng thế nào?

Mỹ tuyên bố sẽ xem xét trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo Washington Post bằng cách thu hồi thị thực vào Mỹ và cân nhắc áp dụng Đạo luật Magnitsky.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/10 cho biết, Mỹ sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bằng cách thu hồi thị thực và có thể sẽ áp dụng Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu, hay còn gọi là Đạo luật Magnitsky.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thêm rằng, Mỹ sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp bổ sung. ''Chúng tôi đang thể hiện rất rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không chấp nhận những hành động bạo lực, man rợ đã xảy ra với nhà báo Khashoggi'', ông Pompeo nói.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Sky News)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Sky News)

Theo Qz, những tuyên bố cứng rắn, động thái thu hồi visa và đe dọa đóng băng tài sản đánh dấu sự thay đổi của chính quyền Mỹ trong cách xử sự với vụ việc. Ba tuần kể từ khi nhà báo Khashoggi mất tích cho tới khi Riyadh tuyên bố ông này đã chết, Washington phản ứng và hành động khá chậm chạp. Tổng thống Trump ban đầu nhấn mạnh không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh và các hợp đồng mua bán vũ khí với Ả Rập Xê Út, nói rằng Khashoggi không phải là công dân Mỹ (ông mới làm thủ tục xin nhập tịch Mỹ).

Dù vậy, Quốc hội Mỹ đã gây áp lực khiến Tổng thống Trump phải hành động quyết liệt, theo Qz. Nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa viện dẫn Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu năm 2014 (Đạo luật Magnitsky) để gây áp lực khiến ông Trump phải hành động.

Đạo luật Magnitsky là gì?

Bài liên quan

9 câu hỏi chưa được giải đáp xung quanh cái chết của nhà báo Ả Rập Xê Út

Bài viết cuối cùng của nhà báo Ả Rập Xê Út trước khi mất tích có gì đặc biệt?

Theo bức thư kiến nghị của các nghị sỹ Mỹ, viện dẫn Đạo luật Magnitsky toàn cầu ''Chủ tịch và các thành viên Ủy ban Thượng viện về Đối ngoại yêu cầu phải xác định liệu một người/tổ chức nước ngoài có phải chịu trách nhiệm về việc giết, tra tấn bất hợp pháp hoặc vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền đã được quốc tế công nhận, để chống lại việc một cá nhân thực hành quyền tự do ngôn luận hay không, và báo với Ủy ban trong vòng 120 ngày với quyết định về việc áp đặt lệnh trừng phạt lên người hoặc nhóm người nước ngoài đó”.

Đạo luật được đặt theo tên của ông Sergei Magnitsky – người chết khi bị giam trong một nhà tù ở Nga năm 2009, sau khi cáo buộc các quan chức Nga gian lận thuế. Để kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho cái chết của Magnitsky, người chủ lao động của ông là Browder, một công dân Mỹ, đã đến Washington tìm kiếm sự giúp đỡ của các chính trị gia.

Dự luật đầu tiên được cựu thượng nghị sỹ Arizona John McCain và thượng nghị sỹ Maryland Benjamin Cardin giới thiệu và thông qua năm 2012. Đạo luật này đặc biệt nhắm vào những người Nga được cho là có liên quan đến cái chết của Magnitsky, qua đó áp đặt lệnh trừng phạt tài chính lên những cá nhân này.

Tháng 1/2014, ông McCain và ông Cardin vận động để phiên bản toàn cầu của Đạo luật được thông qua, theo đó, bất cứ cá nhân nào trên thế giới vi phạm nhân quyền sẽ bị từ chối vào Mỹ và sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ.

Magnitsky được áp dụng thế nào?

Với thư kiến nghị từ chủ tịch và các thành viên của một ủy ban thích hợp trong Thượng viện hoặc Hạ Viện Mỹ, tổng thống có 120 ngày để quyết định xem một cá nhân nước ngoài có vi phạm nhân quyền hay không. Một báo cáo sau đó được nộp lên ủy ban giải thích việc các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng hay không và nếu có, những lệnh trừng phạt nào sẽ được áp dụng.

Các vi phạm ở đây bao gồm “giết, tra tấn hoặc vi phạm nghiêm trọng khác đối với nhân quyền đã được quốc tế công nhận, chống lại những cá nhân đang tìm cách đạt được, thực hành, bảo vệ hoặc thúc đẩy nhân quyền và tự do, bao gồm tự do ngôn luận, theo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tham vấn với quốc hội để những người chịu trách nhiệm cho cái chết của nhà báo Khashoggi được đưa ra xử lý.

Đối với vụ Khashoggi, sau khi Mỹ thông báo hạn chế đi lại đối với một số cá nhân có liên quan, các biện pháp tiếp theo có thể được áp dụng là đóng băng tài khoản và tài sản tại các ngân hàng Mỹ. Quốc hội Mỹ thậm chí có thể thông qua luật hạn chế bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út hoặc tạm ngừng các thỏa thuận vũ khí hiện tại, theo Aljazeera.

Video: Những hình ảnh cuối cùng của nhà báo Ả Rập Xê Út trước khi chết

Bài liên quan

Tổng thống Trump: Cái chết của nhà báo đối lập có thể liên quan Thái tử Ả Rập Xê Út

'Cái chết của nhà báo Ả Rập Xê Út là vụ che đậy tồi tệ nhất trong lịch sử'

Mỹ bắt đầu trừng phạt Ả Rập Xê Út liên quan cái chết của nhà báo đối lập

Nhà báo Khashoggi bị giết man rợ là âm mưu chính trị được lên kế hoạch tỉ mỉ

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dao-luat-magnitsky-my-du-dinh-trung-phat-a-rap-xe-ut-la-gi-va-se-duoc-ap-dung-the-nao-d434495.html