Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ đối mặt nhiều quan ngại tại WTO

Các khoản trợ cấp mới cho năng lượng xanh đã trở thành tâm điểm tại Phiên rà soát chính sách thương mại của Mỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra ngày 14/12, khi Liên minh châu Âu (EU), Anh và nhiều nước cảnh báo nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn.

Trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày đầu tiên của Phiên rà soát, một số quốc gia thành viên WTO đã nêu quan ngại về các khoản trợ cấp xanh của Mỹ. Đại sứ EU tại WTO Aguiar Machado cho rằng các khoản trợ cấp trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Washington đang tạo lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như ô tô.

Ông Machado nhấn mạnh việc cung cấp những khoản trợ cấp này cần phù hợp với các nghĩa vụ của Mỹ tại WTO. Ông cũng cho rằng chính sách thương mại của Mỹ ngày càng có xu hướng "hướng nội", tập trung bảo vệ lợi ích của các ngành trong nước.

Đại sứ Anh tại WTO, ông Simon Manley, cảnh báo các khoản trợ cấp trong IRA sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp nước này và tác động đến chuỗi cung ứng pin, xe điện và năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Ông kêu gọi tất cả các bên phối hợp tìm giải pháp để đảm bảo có thể đạt được tham vọng chung về một tương lai xanh và bền vững hơn mà vẫn có thể bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và tôn trọng các quy tắc của WTO.

Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại WTO, bà Maria Pagan, khẳng định trợ cấp cho năng lượng xanh là biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh những khoản trợ cấp trong IRA giúp tạo ra các chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững hơn, đồng thời thúc đẩy sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường ở Mỹ.

IRA được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8 năm nay, trong đó bao gồm khoảng 370 tỷ USD trợ cấp cho năng lượng xanh, cũng như cắt giảm thuế đối với ô tô và pin điện do Mỹ sản xuất. Một số nhà lãnh đạo EU, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã cảnh báo rằng các khoản trợ cấp trong đạo luật này sẽ gây bất lợi cho các công ty châu Âu.

Rà soát chính sách thương mại của 164 quốc gia thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của WTO nhằm đảm bảo sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO. Theo quy định, các nước phải thực hiện rà soát chính sách thương mại theo chu kỳ vài năm/lần.

Phan An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dao-luat-giam-lam-phat-cua-my-doi-mat-nhieu-quan-ngai-tai-wto-20221215141730778.htm