Đảo lộn cuộc sống vì sụt lún đất

Thời gian vừa qua, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) phải sống trong cảnh nhà cửa bị sụt lún, rạn nứt, mất nước sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân là do ba doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ra, nhưng việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân vẫn chưa được thực hiện.

Cổng vào nhà ông Đặng Ngọc Tuấn (tổ 14, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ) bị sụt và lún nứt.

Cổng vào nhà ông Đặng Ngọc Tuấn (tổ 14, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ) bị sụt và lún nứt.

Hàng trăm hộ dân ảnh hưởng

Từ năm 2016, trên địa bàn thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị (huyện Đồng Hỷ) xảy ra tình trạng sụt lún đất làm rạn, nứt nhà ở, công trình phụ, mất nước sinh hoạt, nhiều diện tích ruộng không canh tác được, ảnh hưởng đời sống của hơn 200 hộ dân. Đợt sụt lún đầu tiên, Mỏ sắt Trại Cau (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO) đang khai thác mỏ sắt tại đây đã bồi thường thiệt hại nhà cửa, hỗ trợ hoa màu cho nhân dân thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị gần 19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến 2018 tình trạng sụt lún, rạn nứt nhà cửa lại tiếp diễn. Sụt lún, nứt nhà diễn ra nghiêm trọng đối với gia đình ông Đào Quốc Tuấn ở tổ 14, thị trấn Trại Cau. Ngôi nhà ông Tuấn đang ở được xây dựng cầu kỳ, trần nhà ốp gỗ, nhiều phòng khép kín, đến nay đã bị nứt, lún, nghiêng về phía sau, đường bê-tông từ cổng vào sân bị lún, nứt toác. Ông Tuấn cho biết: “Hằng ngày, sống trong ngôi nhà bị nứt, lún, cả gia đình rất lo lắng, nhất là khi trời mưa chúng tôi không ngủ được, sợ nhà bị sập”. Cuộc sống gia đình ông Trần Văn Tỵ ở tổ 14, thị trấn Trại Cau bị đảo lộn, kinh tế khó khăn, nguyên nhân cũng do sụt lún đất. Trước đây, hai vợ chồng con trai ông Tỵ là Trần Văn Hợi làm vườn, trồng cây ăn quả và chăn nuôi 50 đến 60 con lợn thịt cho nên đời sống khá ổn định. Khi giếng nước bỗng cạn trơ đáy, gia đình phải thuê khoan sâu gần 40 m thì mới có nước, nhưng lượng nước rất ít, chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Việc chăn nuôi lợn đành gác lại và vườn tược bị bỏ hoang. Ông Tỵ chia sẻ: “Lo nhất là những vết nứt ngang, dọc trên tường, dưới móng nhà ngày càng nhiều và to ra”. Hàng xóm nhà ông Tỵ là gia đình bà Vũ Thị Cúc cũng trong cảnh tương tự. Bà Cúc lo ngại: “Kết cấu nhà bây giờ đã bị phá vỡ vì nứt, không còn liên kết với nhau, không biết sửa chữa như thế nào. Tôi mong muốn được hỗ trợ đất đai và toàn bộ tài sản trên đất để chuyển đến nơi ở mới cho yên tâm”.

Tổ 14, thị trấn Trại Cau có 13 hộ bị nứt tường nhà, lún, trong đó Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên) xác định bốn hộ phải di dời ngay. Trận mưa lớn rạng sáng 18-2 vừa qua khiến căn nhà của gia đình ông Vũ Văn Tiến ở tổ 14 bị sập; xuất hiện thêm hố sụt lún có đường kính 4 m, sâu 2 m tại tổ 16, thị trấn Trại Cau, làm mất đường đi lại của nhân dân. Thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị hiện có hơn 200 gia đình bị nứt nhà cửa, mất nước sinh hoạt, ruộng đất bị sụt lún, ảnh hưởng đến sản xuất.

Tháng 6-2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề cương Dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị” (Đề cương). UBND huyện Đồng Hỷ ký hợp đồng với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện Đề cương nêu trên. Sau khi điều tra, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thận trọng, khách quan, giữa tháng 10-2018, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản kết luận nguyên nhân gây ra sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau. Cụ thể là, trong quá trình khai thác mỏ tầng sâu Núi Quặng, đơn vị thành viên của TISCO là Mỏ sắt Trại Cau đã đào, xúc đất, nổ mìn phá đá kết hợp hút nước tháo khô mỏ trong tầng chứa nước khe nứt, hang hốc cát-tơ ngầm (đá vôi) đã làm hạ thấp mực nước, tạo ra phễu hạ thấp mạnh mực nước chung quanh moong khai thác, làm nước dưới đất vận động mạnh, tác động làm mất cân bằng tĩnh trong tầng lớp phủ dẫn đến đẩy nhanh sự sụt lún đất, nứt đất, mất nước sinh hoạt và nước sản xuất, rạn nứt các công trình xây dựng tại khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị. Mặt khác, Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên khai thác quặng sắt tại mỏ Chỏm Vung Tây tạo thành bờ moong sâu, dốc gây trượt lở, rạn nứt công trình xây dựng tại xóm Hòa Bình, xã Cây Thị. Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng khai thác quặng sắt tại mỏ Hoa Trung cũng đã gây trượt lở, rạn nứt công trình tại xóm Hòa Bình, xã Cây Thị. Diện tích bị ảnh hưởng gồm các xóm Hòa Bình, Trại Cau, Kim Cương thuộc xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau là 2,7 km2.

Sớm đền bù, hỗ trợ để ổn định đời sống nhân dân

Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau Vũ Văn Khoa chia sẻ: “Trước nguy cơ hiện tượng sụt lún, nứt nhà, mất nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân, thời gian qua chính quyền thường xuyên nắm tình hình tại đây, nhất là khi có mưa, phát hiện có nguy hiểm là phải sơ tán dân đến chỗ an toàn ngay. Người dân mong muốn các doanh nghiệp đã được xác định liên quan bồi thường, hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống”.

Thời gian vừa qua, UBND huyện Đồng Hỷ công bố nguyên nhân, chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan thành lập tổ công tác (bao gồm đại diện các phòng, ban chức năng của huyện, chính quyền cơ sở, đại diện các đơn vị khai thác khoáng sản) thống kê số hộ bị thiệt hại, ảnh hưởng, thuê tư vấn độc lập thẩm định mức độ thiệt hại để xây dựng phương án, mức bồi thường, hỗ trợ; yêu cầu ba doanh nghiệp khai thác khoáng sản có liên quan phải bồi thường, hỗ trợ thiệt hại sụt lún đất, nứt đất, mất nước sinh hoạt, rạn nứt công trình xây dựng. Tuy vậy, việc bồi thường, hỗ trợ đến nay chưa được thực hiện, làm nhân dân bức xúc. Sát Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, UBND huyện Đồng Hỷ phải tổ chức đối thoại với nhân dân vùng sụt lún, ngay sau đó huyện ứng ngân sách hơn một tỷ đồng để hỗ trợ sản lượng thóc, hoa màu đối với những diện tích bị sụt lún, mất nước sản xuất dẫn đến không canh tác được để nhân dân đón Tết.

Vấn đề hiện nay là cần đẩy nhanh việc đánh giá, thẩm định, xác định mức độ thiệt hại đối với từng gia đình một cách khách quan, chính xác, công bằng, thuyết phục; xác định số tiền bồi thường của từng doanh nghiệp để sớm có kinh phí chi trả cho nhân dân. Là doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại lớn nhất, nhưng ngày 29-1-2019, TISCO có Văn bản số 71/GTTN-QLTB gửi Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên nêu khó khăn, chưa cân đối được tài chính để bồi thường thiệt hại cho nhân dân. Các cấp, ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên và TISCO cần tháo gỡ khó khăn, khẩn trương bồi thường, hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39437302-dao-lon-cuoc-song-vi-sut-lun-dat.html