'Đạo làm người' toàn cầu hóa

Nếu có một mối lo nào đó ở Việt Nam thường xuyên trở thành nỗi ưu tư của xã hội thì mối lo ấy là giáo dục. 'Nhìn lại, thấy xa hơn' của Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam không phải là một cuốn sách về giáo dục nhưng có thể tìm ra lời giải cho ưu tư ấy.

GS-TS. Nguyễn Vân Nam chia sẻ cảm xúc khi nhận Giải Sách Hay 2018. Ảnh: Hoàng Tuyết

Cuốn sách là tập hợp chọn lọc những bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước trong hơn mười năm qua, từ sau cuốn sách Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước năm 2002 viết theo đặt hàng của EU, khi ông đang là giáo sư ở trường đại học lừng danh Humboldt của Đức.

Những bài viết và trả lời phỏng vấn của ông không chỉ ngồn ngộn tri thức, thứ tri thức có thể dẫn dắt hành động, được tôi luyện đến độ sáng tỏ trong bể Tây học mà ông dấn thân. Hiểu biết của ông vượt lên khỏi chữ nghĩa để nhất quán với tư cách công dân của ông. Học thuật của ông cũng là đạo làm người của chính ông vậy.

Là một chuyên gia về luật và kinh tế, học tập và sinh sống ở nước ngoài, vì hoàn cảnh riêng, Nguyễn Vân Nam trở về Việt Nam, sống trong những biến động ở một xã hội đang trong quá trình toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa, với ông không chỉ là sự thích ứng, mà là tọa độ “con người tự do có phẩm giá”. Con người dù là một nhân tố của thị trường hay là một thành viên của quốc gia, dân tộc, tư cách bình đẳng chính là phẩm giá phải được bảo đảm, phải đấu tranh để bảo vệ.

Làm người, với Nguyễn Vân Nam, là làm con người cá nhân. Nguyễn Vân Nam kiên quyết bác bỏ mọi đánh đổi phát triển bằng cách hy sinh môi trường, bởi môi trường là “tài sản của tôi”. Nguyễn Vân Nam nhìn thấy trong các vụ xử lý vi phạm môi trường từ Vedan, Formosa... sự bất bình đẳng trong tư cách làm người giữa “tôi” với doanh nghiệp, thậm chí là thể chế, để kiên trì hướng dẫn người dân sử dụng đúng mức quyền kiện tụng.

Sử dụng luật pháp Việt Nam là công cụ bảo vệ mình chưa đủ, sử dụng cả công cụ luật pháp quốc tế và của chính bản quốc của nhà đầu tư để bảo vệ lợi ích của chính mình. Đại sự tranh chấp chủ quyền quốc gia trên biển Đông cũng được ông kiến giải bằng cách làm người tự do có phẩm giá đó, hướng dẫn ngư dân kiện chính quyền Trung Quốc.

Học thuật của ông cũng là hệ thống tiến bộ xã hội được đúc kết thành lý luận để bảo đảm cho quyền bình đẳng ở cấp độ cá nhân ấy của con người.

Nhà nước pháp quyền hay mô hình kinh tế thị trường xã hội mà ông xiển dương không ngoài mục đích thực hiện tương quan bình đẳng giữa cá nhân và các nhân tố cạnh tranh làm nên thị trường tự do. Tôn trọng quyền của cá nhân người tiêu dùng được coi là một nghĩa vụ bảo đảm cho cạnh tranh bình đẳng.

Nhìn lại, thấy xa hơn của tác giả Nguyễn Vân Nam, do Anbooks và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản tháng 9.2018.

Cuốn sách là một trải nghiệm thực sự phong phú diễn biến con đường hội nhập toàn cầu với chủ thể trung tâm là con người Việt Nam. Ở đó, lòng dũng cảm dân sự được ông chọn lựa như một phẩm chất xã hội nhất thiết để hình thành con người tự do. Lòng dũng cảm dân sự ấy cũng là phương thức đấu tranh giành lấy tư cách làm người trên con đường san lấp những hố sâu bất bình đẳng xã hội, những khấp khểnh của thị trường tự do cạnh tranh.

Học để làm gì, trong một bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam không ngại bác bỏ kinh nghĩa lâu nay để xác định mục đích của việc học là cho bản thân. Giáo dục là quá trình hình thành bản sắc cá nhân của con người tự do chính là luận điểm trung tâm của Nguyễn Vân Nam khi luận bàn về giáo dục.

Cải cách giáo dục theo Nguyễn Vân Nam trước hết phải là thay đổi những quan niệm căn bản về giáo dục. Thật lạ lùng, trong bối cảnh “đổi mới”, hoàn thiện thể chế thị trường, Nguyễn Vân Nam phản đối gay gắt thương mại hóa giáo dục dù là núp bóng tinh vi dưới mô hình xã hội hóa. Ông coi giáo dục là một nghĩa vụ chính yếu của nhà nước, lý do để nhà nước tồn tại. Bởi giáo dục là phải cung cấp cơ hội bình đẳng về tri thức, kĩ năng để con người vào đời, để làm việc, để sống chung trong một xã hội đa dạng và thay đổi.

Tôi muốn khép lại cảm hứng khi đọc bản thảo Nhìn lại, thấy xa hơn của Nguyễn Vân Nam bằng mối đồng cảm với tâm huyết của Anbooks, một công ty tư nhân mới toanh trên thị trường sách.

Nguyễn Vân Nam, tôi vẫn thích hài tên họ anh như thế, thay vì kính cẩn xướng danh anh sau hai chữ “tiến sĩ”, dù anh có tới hai bằng tiến sĩ ở Đức.

Chuyện có lý lẽ của nó.

Một lần ngồi kế anh, tôi hỏi định nghĩa của anh về tầng lớp trung lưu. Tôi nhớ rành rọt câu trả lời: “Là tầng lớp có thể sống độc lập trong xã hội dựa vào khả năng của mình mà không phụ thuộc vào nhà nước”. Báo Sài Gòn Tiếp Thị, nơi tôi làm việc khi ấy, có lẽ cũng chịu khó “thấy xa hơn” cùng anh. Chúng tôi đã cố gắng lột xác từ một tờ báo nói chuyện tương cà mắm muối khi ấy thành một diễn đàn của tầng lớp trung lưu. Nhưng cũng thấy xa tới vậy.

Nhưng có dịp đọc lại những gì anh trăn trở bỗng giật mình với những điều khi ấy tôi còn mơ hồ:

“Tốc độ toàn cầu hóa càng nhanh, tầng lớp này càng có cơ hội tìm thấy sự thăng tiến của mình trong những môi trường thích hợp ở nước ngoài. Trong toàn cầu hóa, chỉ một xã hội văn minh, nơi mọi công dân có thể chủ động tham gia giải quyết công việc của xã hội, mới có điều kiện bảo vệ và phát huy những giá trị mang đặc trưng dân tộc. Tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng trong mươi năm nữa, người Việt không còn một tí đặc trưng nào của mình trong thế giới toàn cầu hóa này”.

Có lẽ duyên nợ với Nguyễn Vân Nam cũng đậm đà thêm từ hồi mơ hồ ấy.

Tâm Chánh (Nhà báo)

GS-TS. Nguyễn Vân Nam.

Ảnh: Lê Quang Nhật

Bài viết "Đạo làm người” toàn cầu hóa của nhà báo Tâm Chánh là lời mở đầu của cuốn sách Nhìn lại, thấy xa hơn của tác giả Nguyễn Vân Nam, do Anbooks và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản tháng 9.2018.

GS.TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam tốt nghiệp cử nhân hóa học Đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1981. Sống tại Đức từ năm 1986, ông cũng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành triết học, luật học, kinh tế học của Đại học Tự Do (FU) ở Tây Berlin và luật học tại Đại học Humbold Berlin (HUB).

Tại CHLB Đức, ông là thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, tiến sĩ luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Ông được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Từ năm 2003, ông là giám đốc Công ty tư vấn luật Nam Hùng tại TP.HCM.

Một số cuốn sách của GS-TS. Nguyễn Vân Nam đã xuất bản tại Đức: Vai trò nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa; Tác động của bảo hộ sáng chế đối với các nước đang phát triển; Phân lập quyền lực trong mô hình liên bang áp dụng cho Liên minh Châu Âu (EU)... Xuất bản tại Việt Nam: Toàn cầu hóa và sự tồn vong của Nhà nước(NXB Trẻ, 2006); Bình luận Quyền tác giả: đường hội nhập không trải hoa hồng(NXB Trẻ, 2017 –tác phẩm đoạt Giải Sách Hay năm 2018)...

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dao-lam-nguoi-toan-cau-hoa-16053.html