Đào hồ chống hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ

Nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ đang tốn hàng trăm tỷ đồng xây hồ chứa nước ngọt để đối phó với hạn mặn nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Năm 2020 cho thấy tình trạng hạn mặn đang có chiều hướng tăng dần ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đứng trước tình cảnh đó nhiều địa phương đã đầu tư làm hồ chứa ngọt khổng lồ để chống lại thiên nhiên.

Tại Bến Tre, ông Cao Văn Trọng - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết ngoài hồ chứa nước Ba Tri (trữ lượng gần 1 triệu m3 nước), tỉnh đang tiếp tục khép kín hệ thống cống để biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt trên 1 tỉ m3 nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho TP Bến Tre và các huyện lân cận, các khu công nghiệp và bệnh viện của tỉnh.

Còn UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình Thủ tướng cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí 400 tỉ đồng để đầu tư hồ chứa nước ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (tỉnh Bến Tre).

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (tỉnh Bến Tre).

Tình trạng hạn mặn xảy diễn ra lớn nhất ở Cà Mau khi mà ngay thời điểm đầu năm, theo nhận định sơ bộ ban đầu của cơ quan chức năng địa phương tình trạng hạn mặn đã khiến nhiều tuyến đường của tỉnh bị sụt lún hàng trăm mét.

Hiện Cà Mau cũng đang cho xây dựng hồ chứa nước ngọt tại vùng đệm rừng U Minh Hạ với kinh phí 10 triệu USD, lấy từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ được đánh giá là giải quyết tình thế tạm thời. Về lâu dài, nếu tình trạng hạn mặn vẫn tiếp tục xâm nhập thì ngay cả những hộ chứa nước ngọt cũng bị hóa mặn.

Ông Lưu Hoàng Ly - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu - cho rằng giải pháp lâu dài cần phải tính tới việc trữ nước cho cả khu vực ĐBSCL chứ không riêng gì Bạc Liêu hay tỉnh nào, trong đó đặc biệt tính tới nguồn nước từ thượng nguồn.

Chẳng hạn muốn trữ nước hiệu quả ở Bạc Liêu thì cần làm hồ từ Kiên Giang hay ở Ô Môn (Cần Thơ) mới giải quyết tốt cho các tỉnh bên dưới và lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu và một vùng của Cà Mau. Còn hiện nay, phần lớn cũng chỉ làm nhỏ lẻ từng tỉnh hoặc chỉ tạm thời như đắp đập thời vụ.

"Việc xây dựng hồ trữ nước chung cho cả vùng họ cũng đã nói từ lâu, nhưng thực tế chưa triển khai. Tôi cho rằng làm hồ trữ nước cục bộ từng địa phương là cần thiết nhưng chưa đủ và cũng không chủ động được. Nếu có công trình chung cho cả vùng thì từng địa phương ngoài việc có nguồn nước còn chủ động hơn trong việc điều chỉnh cây - con cho phù hợp" - ông Ly chia sẻ.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài kể từ cuối năm 2019 đang gây thiệt hại nặng nề cho các nhà vườn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình này được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4/2020 khiến các nhà vườn đều rơi vào tình cảnh như “ngồi trên đống lửa”.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Bạc Liêu, hơn 5.400 ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 (tỉnh Bạc Liêu) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm dẫn đến nguy cơ có 5.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Hạn, mặn ở miền Tây Nam Bộ đã khiến hàng ngàn hecta trồng lúa chết khô.

Tại Cà Mau, cuối tháng 1/2020, UBND tỉnh đưa ra thông tin cho thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 16.000 ha đất canh tác, đa số là lúa - tôm. Ngoài ra còn có hơn 3.500 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Ở tỉnh Sóc Trăng, dịp tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ dân ở huyện Long Phú cùng tâm trạng buồn bã vì hàng ngàn hecta đất lúa vụ ba đang thiếu nước. Mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng các kênh rạch ở huyện này đều khô cạn. Nhiều diện tích lúa khoảng một tháng tuổi đang bắt đầu khô cháy vì thiếu nước.

Ghi nhận cho thấy, hiện nay một số nơi ở ĐBSCL, nước sinh hoạt đang có giá lên đến 200.000 đồng/khối (mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị), thậm chí chính quyền địa phương phải dùng xe chở nước cho người dân giải hạn.

“Năm nay mưa trễ hơn 1 tháng, tất cả những bể chứa nước ngọt của người dân trong vùng đều đã cạn khô. Trung bình mỗi ngày tôi phải thuê 2 lần xe tải chở nước ngọt về cho 6 người trong gia đình sử dụng”, ông Nguyễn Thế Hải (huyện Cần Giuộc, Long An) cho biết.

Cũng theo ông Hải, giá mua nước ngọt hiện từ 150.000 đến 200.000 đồng/khối. Với một gia đình trung bình 4 - 5 người, thì mỗi tháng phải chi ra ít nhất là hơn 1 triệu đồng tiền mua nước ngọt, cao hơn gấp 4 lần tiền mua gạo.

Liên quan đến những diễn biến phức tạp của tình hình hạn mặn đã và đang diễn ra tại các tỉnh ĐBSCL, mới đây, Bộ NN&PTNT thông tin cho biết, mặc dù hạn mặn đã diễn ra gay gắt, tuy nhiên từ ngày 7 - 15/3 tới mới là thời điểm "đạt đỉnh" của hạn mặn năm nay.

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô năm 2019 - 2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8 -14/2 (đạt đỉnh ngày 12/2) với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 55 - 74km.

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, từ ngày 29/2 đến 6/3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm theo kỳ triều xuống, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45 - 55km trở lên tại thời điểm triều thấp (chân triều).

Từ ngày 7 - 15/3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l, phạm vi ảnh hưởng ở khu vực sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100 - 110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62 - 65km...

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/dao-ho-chong-han-man-o-mien-tay-nam-bo-3398125/