Đạo đức và tri thức phải là hồn cốt trong triết lý của giáo dục

Mọi vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục thời gian qua, từ chuyện sách giáo khoa, phương pháp dạy học, chuyện đạo đức thầy – trò, dạy thêm học thêm...Tất cả đều bắt nguồn từ việc chúng ta chưa xây dựng được cho ngành giáo dục một triết lý đủ chuẩn mực để làm 'điểm tựa' mọi cho tư duy và hành động. Một triết lý giáo dục như thế nào để trở thành kim chỉ nam, định hướng cho nhà trường, các thầy cô và mỗi học sinh nhằm hướng đến môi trường đào tạo tốt nhất đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Tôi thấy ấn tượng nhất về câu nói của Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khi thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy từ giáo dục.

Theo đại biểu, triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Và xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại để định hướng cho nền giáo dục phát triển.

Điều mà vị đại biểu này trăn trở, soi chiếu vào thực tiễn nền giáo dục nước nhà thì quả đúng là rất đáng bàn. Thực ra, ngành giáo dục không hẳn là chưa có triết lý hay nói đúng hơn là quá nhiều khẩu hiệu thiếu đồng nhất, mang tính chất “mạnh ai người ấy tuyên ngôn”, thấy gì hay thì đưa vào ứng dụng, chứ chưa có tính xuyên suốt và định hướng cho cả hệ thống. Trong các trường học hiện nay, mỗi nhà trường lại xây dựng cho mình một câu triết lý nào đó với mong muốn sẽ định hướng cho thầy cô, học sinh theo những chuẩn mực riêng. Nhưng phần lớn các khẩu hiệu đều chưa đủ cô đọng và khái quát ở tầm tư tưởng để trở thành triết lý giáo dục của Việt Nam.

Một triết lý giáo dục như thế nào để trở thành kim chỉ nam, định hướng cho nhà trường, các thầy cô và mỗi học sinh nhằm hướng đến môi trường đào tạo tốt nhất đang là vấn đề được dư luận quan tâm (Ảnh: Lưu Ly)

Thậm chí, TS. Nguyễn Khánh Trung - Giám đốc Trung tâm giáo dục Emile Việt cho rằng: Đọc mục tiêu giáo dục của ta thể hiện trong các văn bản, tôi thấy có nhiều mâu thuẫn, khó thuyết phục. Nghĩa là “triết lý giáo dục” của ta yếu lý lẽ và không hợp thời, không thu hút được lòng người, chứ không phải là không có hay chưa có. Nếu tôi thấy như thế thì có lẽ nhiều người khác cũng thấy thế. Tư tưởng ở tầm vĩ mô đóng vai trò dẫn đạo mà mập mờ, thiếu thống nhất, thiếu tính thuyết phục thì làm sao có thể thấm vào tâm vào não của từng giáo viên, từng học sinh, từng phụ huynh để cùng nhau hướng về một cái đích chung! Vậy nên chúng ta cãi nhau mãi, trong khi giáo dục xuất hiện nhiều chuyện phi lý đến khó tin, cũng là điều không có gì lạ. Rõ ràng là, khi chúng ta chưa đưa ra được một mục tiêu giáo dục quốc gia chí lý, phù hợp thời thế, thuyết phục sẽ dẫn đến phương thức tổ chức, giảng dạy từ trên xuống dưới cũng sẽ thiếu mạch lạc và lúng túng.

Trở lại với câu chuyện về triết lý giáo dục, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) đề cập: “Tôi thấy mục tiêu dành cho cả bậc mầm non, phổ thông, đại học đều chung những ngôn từ đúng, hay đẹp nhưng tôi lo khi đưa vào cuộc sống để cụ thể hóa thành phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục thì sẽ như “chim chích vào rừng rậm”, rất khó”. Từ đó, đại biếu Thức đề nghị ban soạn thảo luật cần nghiên cứu lại triết lý giáo dục để đảm bảo tính thời đại, hiện đại mà giữ được truyền thống văn hóa dân tộc.

Tất nhiên, thực tế, cũng đã có không ít các cuộc thảo luận về triết lý giáo dục mấy năm qua, nhưng lại chú trọng quá mức đến việc đưa ra một tuyên ngôn thật hào nhoáng, hoàn hảo, mà quên rằng, triết lý giáo dục cũng cần phải có sự gần gũi với thực tiễn, phù hợp với bối cảnh và thực sự có thể thực hiện được trong môi trường giáo dục hiện thời.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về giáo dục cũng nhấn mạnh rằng, khi đã có một tuyên ngôn về niềm tin, giá trị và nguyên tắc cho mọi hoạt động giáo dục, mọi chính sách đều phải soi mình vào đó để xem có nhất quán với nó không. Chính vì lẽ đó, tính nhất quán, phổ quát và thực tế là rất quan trọng. Triết lý giáo dục vừa có tầm vừa khả thi với thực tiễn thực sự không dễ nhưng cũng không nên khoác trên vai nó một áp lực của kì vọng mang tính trường cửu. Bởi lẽ triết lý giáo dục có thể sẽ thay đổi theo thời cuộc, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Do đó, điều quan trọng là các chuyên gia nên nghiên cứu, tranh luận một cách kỹ lưỡng nhằm rút ra những lý luận mang tính triết lý, làm nền tảng chắc chắn cho hệ thống giáo dục nhằm tạo ra sự thay đổi và đột phá.

Theo nhận định của TS. Phạm Thị Ly – ĐHQG TP Hồ Chí Minh: Đối với Việt Nam, quả không có gì khó khi chúng ta muốn tìm một tuyên ngôn lấp lánh, nhưng để cái được gọi là triết lý giáo dục thực sự đóng góp cho việc định hình những cải cách trong tương lai, thì khó hơn nhiều. Khó vẫn phải làm và đã làm phải vào cuộc quyết liệt chứ không thể cứ mãi đặt ra để đó. Điều quan trọng là chúng ta cần mạnh dạn phá bỏ những tư duy, thói quen cũ kỹ, ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học.

Trên hết, triết lý giáo dục không thể và không nên là những thứ xa vời, cần phải bắt nguồn từ cuộc sống, thực sự hòa vào cuộc sống và môi trường giáo dục. Đó vừa là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước... và điều quan trọng, đạo đức và tri thức phải là hồn cốt trong triết lý của giáo dục.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/dao-duc-va-tri-thuc-phai-la-hon-cot-trong-triet-ly-cua-giao-duc-49241