Đạo đức người làm báo và những trăn trở trong báo giới hiện nay

Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường phát triển và những thành tựu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là dịp để nhắc nhớ chúng ta phải giữ gìn phẩm chất đạo đức của người làm báo, giữ bút sắc, lòng trong, công tâm, khách quan trong đưa tin, viết bài; đề cao trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Các phóng viên cơ quan báo chí đang tác nghiệp tại bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát). Ảnh: Tiến Đông

Bởi, những năm gần đây, có số ít các tờ báo, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị; thiếu cẩn trọng khi khai thác thông tin, xử lý thông tin trước khi quyết định loan tin. Nhiều thông tin không đúng bản chất sự vụ, sự việc, vấn đề đã ít nhiều gây nhiễu, làm phân tâm niềm tin của người đọc, người nghe, người xem. Cá biệt có nhà báo phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, luôn tạo cho mình thứ “quyền lực đen” để rồi lợi dụng quyền hạn đó vụ lợi cá nhân, đánh mất bản thân và làm méo mó hình ảnh người làm báo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Đơn cử như vào khoảng 8h45 ngày 26-3-2019, tại phường Đông Hải (TP Thanh Hóa), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã bắt quả tang Hà Văn K. đang có hành vi cưỡng đoạt tiền của một doanh nghiệp. Lực lượng công an đã thu giữ tại chỗ của Hà Văn K. một số giấy giới thiệu, 1 thẻ cộng tác viên của cơ quan báo chí và 50 triệu đồng tiền mặt. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được tin báo về việc có đối tượng tự xưng là phóng viên, nhà báo đến một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn để tìm hiểu thông tin về một số sai phạm. Sau đó, người này đe dọa viết bài, đăng tải trên một số trang thông tin điện tử để ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới gỡ bài xuống. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ lập án đấu tranh và bắt quả tang khi Hà Văn K. đang nhận tiền của doanh nghiệp. Tại cơ quan công an, bước đầu Hà Văn K. khai nhận đang làm cộng tác viên cho báo Dân Việt. Lợi dụng danh nghĩa này, tại Thanh Hóa, K. đã gặp một số doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội để tìm hiểu về các sai phạm, sau đó viết bài và câu kết với một số đối tượng khác gọi điện thoại đe dọa, cưỡng đoạt tiền của các đơn vị này.

Một trường hợp khác, ngày 2-1-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị T. về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, khoảng 14h ngày 25-12-2019, tại một quán cafe ở TP Thanh Hóa, Công an tỉnh đã bắt quả tang Phạm Thị T. đang nhận số tiền 10 triệu đồng của anh C.Đ.A - lái xe Công ty CP Xây dựng giao thông thủy lợi T.H. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, Phạm Thị T. là cộng tác viên của một tạp chí có địa chỉ tại TP Hà Nội. Trong quá trình làm việc tại Thanh Hóa, Phạm Thị T. cho rằng công trình nâng cấp tuyến đê tại huyện Hoằng Hóa do Công ty CP Xây dựng giao thông thủy lợi T.H là nhà thầu thi công có biểu hiện sai phạm trong thi công công trình. Sáng 25-12-2019, T. gọi điện thoại với ông C.M.Q là giám đốc công ty để nói về việc phát hiện một số biểu hiện sai phạm trên. Khi ông Q. xin T. tạo điều kiện không đăng báo, thì T. đưa ra yêu cầu ký hợp đồng tuyên truyền và ra giá 15 triệu đồng nhưng ông Q. từ chối ký hợp đồng và hỏi T. lấy bao nhiêu tiền nhưng T. không trả lời, nên ông Q. đưa ra đề nghị 10 triệu đồng và được T. đồng ý. Khoảng 14h cùng ngày, khi T. đến quán cafe nhận tiền thì bị cơ quan công an phát hiện, bắt quả tang.

Trên đây là 2 trong số nhiều “cộng tác viên” tác nghiệp trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung trong thời gian qua. Họ đã lợi dụng nghề nghiệp, uy tín của cơ quan báo chí để “vòi” tiền cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và đã bị sa lưới pháp luật.

Chẳng hạn, ngày 20-6-2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Ngô Văn Kh. (sinh năm 1984, thường trú tại thị trấn Văn Điển, Quận Thanh Trì, TP Hà Nội) và bị cáo Vũ Thị Hải H., sinh năm 1990, ở phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ngô Văn Kh. là phóng viên thử việc của một tờ báo có trụ sở tại TP Hà Nội. Vào tháng 7-2018, Ngô Văn Kh. đã tìm hiểu, phát hiện các sai phạm, thiếu sót của phòng khám răng, hàm mặt T.H ở thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân do anh H.D.H làm chủ, sau đó viết bài, đăng tin về các sai phạm làm cho anh H. lo sợ, ảnh hưởng đến uy tín của phòng khám. Lúc này Kh. liên lạc và yêu cầu anh H. phải đưa tiền cho Kh., nếu không sẽ tiếp tục đăng bài. Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của anh H., Kh. liên lạc với Vũ Thị Hải H., nhờ giả danh là “Thanh Thảo” - tác giả của bài viết về phòng khám T.H đăng trên trang Phụ nữ 30.Plus. Sau đó Kh. cho anh H. số điện thoại của Vũ Thị Hải H. để anh H. liên lạc đàm phán gỡ bài viết về phòng khám. Kh. thông qua Vũ Thị Hải H. để thống nhất thỏa thuận về gỡ bài viết với số tiền 50 triệu đồng. Ngày 23-10-2018, Ngô Văn Kh. vào TP Thanh Hóa nhận 50 triệu đồng của anh H.D.H thì bị bắt quả tang. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử tuyên phạt Ngô Văn Kh. 30 tháng tù giam; Vũ Thị Hải H. 24 tháng tù cho hưởng án treo.

Hay vụ đòi doanh nghiệp chi tiền để không công khai sai phạm lên mặt báo, của Nguyễn Trọng H., phóng viên Báo Gia đình Việt Nam, trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 36 tháng tù giam. Theo cáo trạng, khoảng tháng 4-2019, Nguyễn Trọng H. đã sử dụng máy ảnh quay phim, chụp ảnh đối với đoàn xe vận tải xăng dầu của Công ty Xăng dầu X.P - Lào (do anh ViengKeoS. dẫn đầu) đang có hoạt động bơm dầu vào các can nhựa tại cửa hàng xăng dầu Đ.L (xã Xuân Hồng) và cửa hàng xăng dầu DKC (Cầu Rong, xã Xuân Lam, Nghi Xuân). Khi gặp anh ViengKeoS, H. đưa thẻ, giới thiệu mình là nhà báo và sử dụng những video, hình ảnh đã quay, chụp được để đe dọa, uy hiếp tinh thần anh ViengKeoS, buộc người này phải thương lượng, đưa H. 90 triệu đồng, nếu không đối tượng sẽ đưa các video, hình ảnh này lên báo. Khoảng 17h ngày 1-8-2019, khi H. đang nhận 90 triệu đồng từ anh ViengKeoS tại khu vực trước cổng kho xăng dầu Bến Thủy (phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) thì bị tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh lập biên bản, thu giữ các vật chứng liên quan.

Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Luật cũng quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Thế nhưng vẫn còn những nhà báo, cộng tác viên là “con sâu làm rầu nồi canh” đã lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân, làm xúc phạm báo giới, xúc phạm lòng tự trọng, uy tín của những nhà báo chân chính và cơ quan báo chí. Đồng thời, làm sứt mẻ niềm tin của công chúng vào những người cầm bút chân chính.

Sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” và Người cũng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vì vậy, tháng 6 năm 2018, khi trả lời một tờ báo về quan niệm thế nào về đạo đức người làm báo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói rằng: Đạo đức nghề nghiệp là điều cốt tử đối với hoạt động báo chí. Bởi nếu thiếu đạo đức, báo chí sẽ mất phương hướng, không đủ sức mạnh và độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội; đó là chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Thiết nghĩ, một tác phẩm báo chí của nhà báo không có đạo đức sẽ gây hậu quả khôn lường đối với xã hội; thấp nhất có thể tác động xấu đến một con người, một gia đình, đơn vị, tổ chức, cao hơn nữa là tác động đến sự hưng vong của quốc gia, dân tộc. Mỗi nhà báo phải tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, lôi kéo và cám dỗ của những lợi ích tầm thường, mục đích không trong sáng.

10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dao-duc-nguoi-lam-bao-va-nhung-tran-tro-trong-bao-gioi-hien-nay/120489.htm