Đạo đức là gốc để nhà báo tự điều chỉnh hành vi trên mạng xã hội

'Hơn ai hết, người làm báo phải nhận thức một cách sâu sắc về đạo đức làm nghề; đạo đức chính là thứ điều chỉnh ứng xử, hành động của mỗi người một cách tự nhiên, tự giác'Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Nhà báo tham gia mạng xã hội thì trách nhiệm càng lớn

Sự phát triển của nền tảng công nghệ số giúp công chúng có nhiều lựa chọn, tiếp cận nhiều kênh thông tin đa dạng. Đặc biệt sự xuất hiện của mạng xã hội với đặc trưng tương tác nhanh, không phân biệt thời gian, không gian là thách thức lớn đối với báo chí.

Khái niệm “nhà báo công dân” xuất hiện như một xu thế tất yếu trong không gian mà mỗi cá nhân được tự do bày tỏ quan điểm của mình. Thế nhưng, mạng xã hội không thể thay thế được báo chí. Thực tế cho thấy, ngày càng xuất hiện nhiều tin giả, xuyên tạc, suy diễn, tác động tiêu cực đến xã hội trên không gian mạng.

Chia sẻ với Báo Công lý, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Báo chí không bao giờ thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Tuy nhiên, báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo”.

Cuối năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là sự điều chỉnh đối với nhà báo, hội viên trong việc tham gia mạng xã hội. Trong 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, có điều 5 quy định rất rõ người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Trong đó có 4 điều người làm báo nên làm và 8 điều không nên làm.

 Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Vấn đề “tự thân” của người làm báo luôn phải được đặt lên hàng đầu

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Vấn đề “tự thân” của người làm báo luôn phải được đặt lên hàng đầu

Ông Lợi cho biết, sau gần 1 năm thực hiện, bản quy tắc đã tác động trực tiếp tới các hoạt động báo chí và đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực. Những quy tắc này đã hạn chế được việc nhà báo sử dụng mạng xã hội đưa thông tin tiêu cực và những quan điểm, bình luận không chuẩn mực, không có lợi đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, bản quy tắc còn khuyến khích nhà báo tham gia mạng xã hội bằng tinh thần trách nhiệm qua việc lan tỏa nhiều thông tin tích cực. Đặc biệt, quy tắc sử dụng mạng xã hội cũng chính là cơ sở để xem xét, xử lý vi phạm của nhà báo nếu có, và trên thực tế một số trường hợp nhà báo vi phạm đã bị xử lý.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các nhà báo chưa ý thức được trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội. Để thực hiện tốt hơn nữa, bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tung tin giả thì riêng với các nhà báo dùng mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm cao đối với mỗi hoạt động của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử.

Quy định dày đặc cũng không bằng đạo đức làm nghề

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài sự điều chỉnh bằng quy tắc, vấn đề “tự thân” của người làm báo luôn phải được đặt lên hàng đầu. Ông Lợi nhấn mạnh: “Đã là người làm báo thì tâm thế, lý tưởng và đạo đức làm nghề rất quan trọng. Dù nghề nghiệp nào cũng phải mưu sinh nhưng nghề báo là nghề đặc biệt, đòi hỏi phải dấn thân, cống hiến. Nói cách khác, chúng ta làm nghề là để phục vụ nhân dân, đất nước. Nếu bản thân người làm báo không ý thức được vị trí của mình, thực hiện những quy tắc kiểu gượng ép, sẽ vẫn có thể lách luật để làm những việc không trong sáng trên mạng xã hội”.

Ông Hồ Quang Lợi cũng nêu quan điểm: Quy định dày đặc đến mấy cũng không thể nào lường trước mọi tình huống khi làm nghề. Thực tế có những việc luật pháp không cấm nhưng đạo đức lại không cho phép. Hơn ai hết, người làm báo phải nhận thức một cách sâu sắc về đạo đức làm nghề, đạo đức chính là thứ điều chỉnh ứng xử, hành động của mỗi người một cách tự nhiên, tự giác.

Ngoài ý thức và đạo đức, việc sử dụng mạng xã hội còn phụ thuộc vào kỹ năng, trình độ công nghệ thông tin của người làm báo. Vì vậy, muốn người làm báo sử dụng mạng xã hội tích cực, cần tổ chức các lớp học chuyên đề để xây dựng nền tảng sử dụng công nghệ mới cho các phóng viên, biên tập viên,… giúp họ bắt nhịp với sự phát triển của báo chí hiện đại.

Trao đổi thêm về vấn đề này, nhà báo Phạm Văn Linh (Báo VnExpress) cho rằng: “Mạng xã hội là nơi nhiều quan điểm bị va đập nhưng cũng là nơi đám đông dễ bị thao túng vì sự đọc hời hợt. Với nhiều người, đây là nơi vuốt ve cái tôi hơn là nơi để học hỏi. Cũng chính mạng xã hội làm khả năng đưa tin trở nên bình đẳng nên nếu nhà báo không trách nhiệm, sáng tạo trong việc sử dụng mạng xã hội thì có thể làm mất đi vị thế của mình”.

Cùng chung quan điểm, phóng viên Đặng Ngọc Thủy (Báo Đời sống và Pháp luật) chia sẻ: “Nhà báo sử dụng mạng xã hội là xu thế chung của báo chí hiện đại, nhưng chúng ta cần phải ý thức nghiêm túc tất cả những gì mình đăng tải bởi người làm báo có sức ảnh hưởng không nhỏ đối với công chúng. Dùng ngòi bút trên mạng xã hội đòi hỏi người làm báo phải khéo léo, linh hoạt, bình luận một cách có trách nhiệm, có văn hóa. Đặc biệt cẩn trọng với những thông tin có thể gây kích động, lôi kéo người dân…”.

Trang Nhi

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/dao-duc-la-goc-de-nha-bao-tu-dieu-chinh-hanh-vi-tren-mang-xa-hoi-303172.html